Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng, dầu
Không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu?
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hoà) nêu thực trạng từ đầu tháng 10 vừa qua tình trạng đứt gãy nguồn cung khan hiếm xăng, dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.
“Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không? Có nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.
Vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. Vì vậy, tôi cho rằng việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Điều 22 là không phù hợp”, ông Thịnh nói.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị nên cân nhắc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng, dầu hay không, vì quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành từ giá do người tiêu thụ chi trả. Hiện tại, người tiêu dùng trả 300 đồng/1 lít, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý quyết định, người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối.
Mặt khác, đại biểu cho rằng, giá xăng, dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, cần theo cơ chế thị trường sẽ phù hợp hơn. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng, dầu bằng công cụ khác như thuế, phí để hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phân tích, việc bình ổn giá là can thiệp vào hoạt động của thị trường, tuy nhiên nó chỉ ở một vài thời điểm nhất định và trong một vài trường hợp nhất định mới thực hiện quyền năng này. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng, dầu, những gì đang diễn ra cho thấy cần phải có những sự điều chỉnh thật sự phù hợp.
Đại biểu Trịnh Xuân An. (Ảnh: Quốc hội) |
“Đối với xăng, dầu, tại sao doanh nghiệp nói rằng càng nhập, càng bán thì càng lỗ? Chúng ta xác định mối quan hệ này thế nào để thực hiện thật sự hài hòa, đặc biệt là liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Cá nhân tôi không đồng tình với việc tiếp tục duy trì quỹ này”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, báo cáo giải trình có nêu một ý mà ông cho rằng phải làm rõ thêm, đó là sử dụng từ “Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là bước đệm để chúng ta quản lý, sử dụng giá xăng, dầu”.
“Tôi không hiểu bước đệm này là bước đệm gì và đặc biệt là với 5 lý do mà các đại biểu phát biểu để không tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nữa thì tôi cho rằng rất có lý. Đề nghị Ban soạn thảo hết sức nghiên cứu vấn đề này. Chúng ta còn rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không nhất thiết phải để một quỹ đang còn rất nhiều vấn đề phải tranh luận, nhiều vấn đề phải tiếp tục làm rõ”, đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều công cụ để điều chỉnh là cần thiết
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn Phú Thọ) lại nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao hoặc giảm quá mạnh. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Theo đại biểu, xét về bản chất thì giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích Quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, vẫn tăng, vẫn giảm phụ thuộc vào thị trường, nhưng khi sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ có tác động làm cho giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn.
Do đó, nếu sử dụng được các biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu, quy định tại khoản 3 Điều 20 của dự thảo Luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá.
“Trong điều kiện hiện nay và một số năm tới thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu còn khó khăn nên trước mắt tôi thống nhất giữa Quỹ bình ổn giá như dự thảo, song cần quy định rõ là chỉ là lập đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để đảm bảo việc thực thi trong luật này”, đại biểu nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quốc hội) |
Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành thì giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, bởi vì giá xăng, dầu tăng lên thì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”.
Vì vậy, giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thì giảm sốc từ từ. Bởi vì hiện nay công cụ để điều chỉnh giá xăng, dầu gồm: thứ nhất là gói thuế, thứ hai là chi phí định mức, thứ ba là nguồn cung, thứ tư là thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy, thứ năm là Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu là rất cần thiết. “Nếu kinh tế thị trường không có “bàn tay” của nhà nước thì giống như “vỗ tay bằng một bàn tay”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Nguồn: Báo lao động thủ đô