Lâm Đồng: Bát nháo mua bán đất nông – lâm nghiệp
Lâm Đồng: Bát nháo mua bán đất nông – lâm nghiệp
Vài năm qua, thị trường BĐS Lâm Đồng vô cùng nhộn nhịp. Tình trạng “cò, mồi” đất nông, lâm nghiệp, đất rừng cũng đang diễn ra mạnh, gây bức xúc trong dư luận.
Rao bán đủ loại đất rừng
Ở khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng được xem là địa phương sốt đất nhất trong thời gian qua. Có thời điểm, tình trạng phân lô, tách thửa, xẻ đồi diễn ra sôi động và thu hút rất lớn các nhà đầu tư, bất chấp các rủi ro về pháp lý và nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về sau… Mặc dù chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã và đang ra sức chấn chỉnh các hoạt động về phân lô, tách thửa, mua bán BĐS. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng rao bán đất nông, lâm nghiệp tại Lâm Đồng nói chung, huyện Đạ Huoai nói riêng đang diễn ra rất sôi động.
Qua tìm hiểu trên các phương tiện internet, các hoạt động rao bán các loại đất nông, lâm nghiệp, rừng… vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.
Trong vai nhà đầu tư, PV Môi trường và Đô thị điện tử trực tiếp liên hệ với một “cò đất” tên T. tại xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai. Theo lời chia sẻ của “cò đất” này, hiện việc mua bán đất nông, lâm nghiệp… vẫn diễn ra bình thường. Nếu khách hàng có nhu cầu xem đất, sẽ được dẫn đến tận nơi và gặp chủ đất để thương lượng về giá.
Tiếp đó, T. đưa chúng tôi đến xem một khu đất lâm nghiệp nằm trên một ngọn đồi thoai thoải (cách UBND xã Đoàn Kết khoảng 1 km) với diện tích hơn 14.000 m2 tại xã Đoàn Kết, cách đường Bà Gia vài cây số. Tại đây, T. cho biết giá ra hàng là 1,99 tỷ không bớt. Cũng theo T., khu đất này nằm trong quy hoạch Nhà nước, do Lâm trường quản lý, được người dân phát hoang và trồng cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì được bàn giao lại cho chính quyền xã để chờ thống kê, báo cáo. Khi được hỏi về việc có ra được sổ cho người mua hay không, thì “cò đất” này nói đang nộp giấy tờ làm thủ tục, chưa biết thời gian cụ thể.
Theo T., hiện có nhiều khu đất lâm nghiệp được chủ rao bán do kẹt tiền, nhưng về sổ thì phải chờ, vì có khu có thể ra được sổ nhanh, có khu thì chưa biết khi nào. T “mồi” thêm, tuy vậy, có rất nhiều người mua dạng đất này để “đón đầu cơ hội”, vì lợi nhuận thu được rất cao.
Một khu đất rừng khác có diện tích khoảng 15.000 m2 có bản vẽ hẳn hoi cũng được “cò” tên G rao với giá 2,1 tỷ. G cho biết chủ đất đang làm thủ tục ra sổ, vì đất đã được đo đạc và hứa “chắc như bắp” là sẽ ra được sổ nhanh, nhưng phải bỏ thêm 225 triệu đồng tiền “chung chi”. Nếu khách hàng xuống tiền đặt cọc, thì đến tháng 3-4 (tức tháng 3, 4/2023 – PV) sẽ có sổ và sang tên cho người mua.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, PV đã liên hệ với bà Ka Hem – Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Đoàn Kết, thì bà Ka Him cho biết đang bận việc lấy phiếu tín nhiệm và sẽ trao đổi lại sau. Tiếp đó, PV đến UBND xã liên hệ làm việc với ông Trần Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, cũng không gặp được.
Chỉ cần phí chung chi ?!
Qua một số “cò” giới thiệu, PV được biết tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, có một người tên Thành, làm việc ở Văn phòng ký gửi đất đai Nam Phát. Thành là một người nổi tiếng chuyên môi giới và làm giấy tờ các loại đất tại đây. Các hồ sơ khó hay các hồ sơ đất cần làm nhanh, khách hàng đều tìm đến Thành vì anh có nhiều mối quan hệ với một số cán bộ nhà đất xã, huyện.
Trong vai người đi mua đất cần làm giấy tờ, chúng tôi đến Văn phòng ký gửi đất đai Nam Phát. Tiếp chúng tôi, Thành khoe mình có nhiều mối quan hệ thân thiết với các cán bộ huyện, đặc biệt là các anh chị em ở Phòng Tài nguyên Môi trường. Theo chia sẻ của Thành, thời gian trước, việc thực hiện thủ tục giấy tờ đất đai cho người dân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, việc này đang bị đứng, khó khăn hơn trước. Nếu khách hàng muốn thực hiện nhanh, buộc phải chung chi.
Để khẳng định về khả năng làm giấy tờ đất của mình, Thành cho hay: “Nếu anh muốn làm nhanh phải “ABC” (tức chung chi – PV). Chi phí để làm sổ từ 10 – 30 triệu/ 1 sào, 1 mẫu có giá từ 100 – 300 triệu, tùy loại đất dễ hay khó để nhận. Giá này bao gồm cả tiền “ABC” trong đó”. Đất nào em cũng làm được, riêng đất rừng là không thể…. Nhưng, muốn biết đất đó làm được hay không thì anh chỉ cần gửi định vị đất cho em, em sẽ gửi qua chỗ anh em ở Phòng Tài nguyên Môi trường để họ kiểm tra, đương nhiên là thông tin phải được bảo mật. Bên đó đều là chỗ anh, em hết… ”.
Ngay sau đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hanh – Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đạ Huoai. Ông Hanh khẳng định không quen biết với ai tên Thành làm ở văn phòng Nam Phát.
“Chúng tôi chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật. Không có chuyện đất nào cũng làm được giấy tờ. Người dân nào có nhu cầu thì gửi hồ sơ, thủ tục qua bộ phận một cửa. Chúng tôi chỉ làm trực tiếp với người dân, hoặc người được ủy quyền. Hiện nay, bên ngoài có nhiều môi giới, cò đất quảng cáo, nhũng nhiễu. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND thành lập đoàn kiểm tra thủ tục hành chính liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính…”, ông Hanh cho biết.
15 phút sau cuộc trao đổi với ông Hanh, PV nhận được điện thoại của anh Thành. Anh phân bua và có ý trách móc tại sao chúng tôi đem câu chuyện tư vấn của anh để trao đổi lại với lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện?!
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; đã phát hiện, lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 431,8 ha. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Số dự án đã thu hồi từ năm 2008 đến nay là 208 dự án, gồm: 172 dự án thu hồi toàn bộ (22.226 ha) và 36 dự án thu hồi một phần (4.242 ha) do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp; để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng. |
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị