Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương chậm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương chậm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Bộ Xây dựng đánh giá, nhiều địa phương như Hà Nội và TP.HCM vẫn còn chậm triển khai các bước thực hiện cải tạo chung cư cũ.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022.
Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương có nhà chung cư cũ đã triển khai thực hiện một số bước theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP như: Bố trí ngân sách để thực hiện việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, việc triển khai thực hiện quy định của Nghị định nêu trên vẫn còn chậm.
“Những địa phương này chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…” – văn bản có nêu.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, khẩn trương thực hiện một số nội dung: Bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định; Khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết những khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng như tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện.
Khẩn trương ban hành hệ số K bồi thường làm cơ sở để nhà đầu tư lập phương án bồi thường khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án; Ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ- CP; Chỉ đạo những cơ quan có liên quan trong việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, thực hiện thủ tục liên quan về thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành và người dân đang sinh sống tại khu vực có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Đối với một số dự án đang thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 34/2007/NQ- CP và Nghị định số 101/2015/NĐ – CP của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nhưng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng, cần sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng theo quy định để nhanh chóng thực hiện xây dựng, sớm bàn giao nhà ở cho người dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết công việc giữa Bộ Xây dựng và các địa phương, Bộ đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ động đôn đốc, phối hợp việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP. Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ (2 – 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư.
Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.
Đơn cử như quận Đống Đa, Hà Nội, một số nhà chia lô của các khu tập thể cũ nói trên đã được các chủ sử dụng đất xây dựng cải tạo thành các công trình nhà ở kiên cố từ 3 đến 5 tầng và ăn ở ổn định. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời do không được sửa chữa bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị xuống cấp dẫn đến nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm (như nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng).
Chung cư cũ nguy hiểm cấp D tại 51 Huỳnh Thúc Kháng, UBND Quận đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, tuyên truyền vận động, thông báo, yêu cầu các hộ gia đình di dời ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D – 51 Huỳnh Thúc Kháng đảm bảo an toàn, đã thực hiện di chuyển 03/04 hộ dân ra khỏi chung cư về nơi tạm cư tại nhà B9 Đại Kim; còn 01 hộ dân, UBND Quận đang tổ chức triển khai ban hành quyết định cưỡng chế; dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2022.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị