Quảng Ninh: Kiểm tra, xử lý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Quảng Ninh: Kiểm tra, xử lý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

MTĐT –  Thứ năm, 10/11/2022 19:52 (GMT+7)

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, vì sức khỏe của người tiêu dùng.

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Hành vi vi phạm pháp luật về ATTP diễn ra ở hầu hết các công đoạn, từ sản xuất, chế biến, đến bảo quản, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Trên tuyến biên giới đất liền, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình đồi núi, lúc đêm tối, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP theo các đường mòn, lối mở vào tập kết tại kho bãi, nhà dân ở khu vực giáp biên để cất giữ, sau đó đưa sâu vào nội địa tiêu thụ…Trên tuyến biển và tuyến đường bộ, các đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện chạy tốc độ cao, liên tục thay đổi biển kiểm soát, thay đổi phương tiện vận chuyển, bố trí người cảnh giới để trốn tránh, đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, một số cơ sở sử dụng nguyên liệu, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh ATTP…

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng nhiều và đa dạng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 53.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh nên khó khăn trong việc kiểm soát  ATTP và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

tm-img-alt
Kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoạ

Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về vệ sinh ATTP, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đối với sức khỏe con người; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn…

Cụ thể, trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu…, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng.

Việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp đã góp phần giảm sự chồng chéo trong chỉ đạo thực hiện. Qua các đợt thanh, kiểm tra, các ngành chức năng cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực hiện tốt các quy định về bảo đảm ATTP.

Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, công an các địa phương, đơn vị đã chủ động nắm chắc tình hình và những vấn đề nổi cộm, phức tạp về ATTP phát sinh trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách để tham mưu, đề xuất giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Lực lượng công an toàn tỉnh cũng duy trì thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP…

Phát huy vai trò thành viên BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động làm tốt công tác tham mưu giúp BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP các cấp chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ATTP.

Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp, 10 năm trở lại đây Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 3.000 vụ/61 tổ chức, gần 3.000 cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP; khởi tố 6 vụ/12 đối tượng. Nổi bật, ngày 16/1/2016, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã phối hợp với Công an TX Đông Triều kiểm tra và phát hiện tại cửa hàng Hằng Hà (TX Đông Triều) có 6,9 tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm salbutamol với hàm lượng vượt trên 60 lần quy chuẩn cho phép.

Có thể thấy, Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác ATTP trên địa bàn, góp phần quan trọng để mỗi người dân được thực hiện quyền cơ bản đối với mỗi con người là quyền được tiếp cận với thực phẩm an toàn. Tại Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh”. Đây sẽ là những định hướng rất quan trọng để xây dựng tỉnh Quảng Ninh là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho hàng chục triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Yên Hoà (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích