Hạ tầng bất cập gây ngập lụt ở Đà Nẵng
Đại diện các sở, ngành của TP Đà Nẵng cho rằng trận mưa lớn giữa tháng 10 vừa qua bộc lộ những bất cập về hạ tầng, hệ thống thoát nước gần như bị tê liệt.
Ngày 10/11, HĐND Đà Nẵng tổ chức chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 3. Nhiều cử tri đã bày tỏ ý kiến và đề nghị đưa ra giải pháp chống ngập tại thành phố sau trận lụt lịch sử gần một tháng trước.
Ưu tiên nguồn kinh phí để xử lý tình trạng ngập lụt
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết có 3 nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong đợt lũ hôm 14/10.
Một là triều cường xảy ra cùng lúc với mưa lớn. Hai là hạ tầng kỹ thuật một số nơi không đồng bộ, một số dự án chưa triển khai nên chưa khớp nối hạ tầng, chưa khơi thông… Thứ ba là vấn đề đô thị, nhất là những khu đô thị cũ.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết (trái) và ông Lê Trung Chinh. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, yêu cầu UBND thành phố rà soát lại kế hoạch quản lý phát triển hệ thống thoát nước trong giai đoạn 2019-2025 để xem xét thứ tự ưu tiên, có thể điều chỉnh lại so với năm 2019 để có ưu tiên đầu tư.
Chủ tịch HĐND Đà Nẵng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, bố trí kinh phí hợp lý để các dự án thoát nước được triển khai trên địa bàn.
“Qua giám sát, thời gian qua đã có bố trí nhưng nguồn lực hiện nay vẫn còn thấp. Các địa phương được bố trí 700-800 triệu đồng thì không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. UBND thành phố cần soát lại bố trí kinh phí, nguồn lực bởi đây là vấn đề ưu tiên”, ông Triết nói.
Theo ông Triết, trong thời gian sắp đến, hàng năm cần có tuần lễ thoát nước và vệ sinh đô thị để làm hiệu quả, quyết liệt và tập trung hơn, chuẩn bị sẵn sàng cho mưa lũ.
“Đề nghị Sở Xây dựng lập bản đồ ngập úng và cảnh báo ngập úng để tránh trường hợp người dân trong những tình huống bất khả kháng bị ảnh hưởng”, ông Triết yêu cầu.
Hệ thống thoát nước bị tê liệt
Trước đó, ông Trần Vĩnh Thái (cử tri phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), cho rằng khu vực trung tâm thành phố có rất nhiều hố ga, cống thoát nước đang bị rác thải, xà bần… làm tắc nghẽn, úng ngập.
Cử tri này kiến nghị phải có kế hoạch nạo vét mương cống hàng năm và công khai cho nhân dân biết, giám sát.
Chia sẻ với những ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho hay trận mưa xảy ra hôm 14/10 vượt khỏi tần suất ngập lụt theo tính toán, hệ thống thoát nước của thành phố gần như tê liệt.
Mưa lớn khiến nhiều nhà dân bị ngập nước hôm 14/10. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Tiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến ngập úng là hệ thống thu gom nước nhiều tuyến không được khơi thông. Đặc biệt, hệ thống điện tại các trạm bơm còn nhiều tồn tại, lúc cần thì không có điện dự phòng.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm đã xây dựng từ lâu nên bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo.
“Đơn cử như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, cống, làm giảm khả năng thoát nước”, ông Phong thông tin.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trước mắt sẽ tập trung công tác nạo vét cống thoát nước; khảo sát những bất cập về cống thoát nước, hạ tầng đô thị để cải tạo cho phù hợp.
Về lâu dài, Sở sẽ lưu ý trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian đến.
“Thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành hồ điều hòa và tăng diện tích cây xanh đô thị, hạn chế bê tông hóa nếu không cần thiết”, ông Phong nói.
Ngày 14/10, trận mưa lớn kéo dài 6 tiếng làm nhiều khu vực ở Đà Nẵng bị ngập, thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng. 52/56 phường, xã thuộc 8 quận, huyện, gần 70.000 nhà, 14 trường học và hơn 74 ha rau màu bị ngập; khoảng 60.000 gia cầm, gia súc bị nước cuốn, chết. Hơn 2.000 ôtô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập nước. |
Nguồn: Báo xây dựng