Xây dựng công trình “khủng” trên đất nông nghiệp tại Bỉm Sơn: “Sẽ xử lý dứt điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh”
(Xây dựng) – Những ngày gần đây, dư luận thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đang “nóng” về vụ việc hàng loạt công trình “nguy nga, bề thế” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Phú Sơn. Những công trình này tồn tại đã lâu nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.
Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Phú Sơn tồn tại đã lâu, nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. |
Theo báo cáo của UBND phường Phú Sơn cũng như UBND thị xã Bỉm Sơn, những hộ có công trình vi phạm gồm: Hộ bà Hứa Thị Gấm, hộ bà Phạm Thị Thành và hộ bà Phạm Thị Hoài Thanh. Cả ba hộ trên đều đã được UBND thị xã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại.
Về nguồn gốc đất, khu vực này vốn là vùng trũng, cồn bãi, từ những năm 1990 đã có một số hộ dân đến đây khai phá, cải tạo để sản xuất. Năm 2010, phường Phú Sơn đã lập đề án xin quy hoạch phát triển khu trang trại tổng hợp giai đoạn 2011 -2015 và được UBND thị xã phê duyệt.
Sau đó, thị xã tiến hành kế hoạch dồn điền, đổi thửa, các mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún được quy về khu vực này cho các hộ thuê thầu. Đến năm 2017 – 2018, một số hộ thuê thầu tại đây đã bán lại công trình trên đất (chuồng trại nhà kho, nhà trông coi) và trả lại đất cho phường. Một số gia đình có điều kiện (trong đó có ba hộ vi phạm đã nêu) đã xin thuê, mua lại đất, tiến hành tu bổ, nâng cấp, cải tạo lại các công trình có sẵn để phục vụ sản xuất công nghệ cao như chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn Vietgap, nuôi cá Koi, trồng hoa cao cấp như: Hoa ly, hoa lan, hoa hồng để đăng ký sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng cao của thị trường. Trong quá trình sử dụng đất, các hộ bà Phạm Thị Thành, Hứa Thị Gấm, Phạm Thị Hoài Thanh đã xây dựng trái phép một số hạng mục công trình trên đất nông nghiệp. Hành vi này đã được UBND phường kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng và tháo dỡ công trình vi phạm (vào tháng 12 năm 2020).
Tiếp đó, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh và thị xã, ngày 15/9/2021, UBND phường đã ra thông báo về việc xử lý các công trình trên đất sản xuất nông nghiệp, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và không được phát sinh thêm công trình mới đối với ba hộ trên. Trong đó, nêu rõ những công trình xây dựng trước và sau ngày 01/7/2014 của từng hộ. Cụ thể như sau:
Hộ bà Hứa thị Gấm, tại xứ Đồng Chùa: Công trình xây dựng trước ngày 01/7/2014 và cải tạo sau 2014: Nhà trông coi, nhà kho, nhà kính trồng hoa lan, chuồng nuôi gia cầm; công trình sau ngày 01/7/2014: Nhà bếp rộng 5,0m, dài 9,2m. Ngày 11/5/2021, UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ngày 21/5/2021, phường đã ra thông báo yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng trước khi vi phạm.
Hộ bà Phạm Thị Thành, xứ Đồng Gừng, công trình xây dựng trước 01/7/2014 và cải tạo lại sau năm 2014: Nhà trông coi, kho chứa nông sản kết hợp trồng hoa lan, chuồng chăn nuôi gia cầm; xây dựng sau ngày 01/7/2014: Nhà kho cột sắt, mái tôn dài 7,5m, rộng 5,5m. UBND phường đã lập biên bản và thông báo yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm.
Hộ bà Phạm Thị Hoài Thanh, xứ Đồng Gừng: xây dựng trước 01/7/2014 và cải tạo lại sau ngày 01/7/2014: Nhà bảo vệ, kho nông sản, nhà trồng hoa cao cấp, chuồng chăn nuôi gia cầm; xây dựng sau 01/7/2014 gồm: Sửa chữa công trình chuồng trại thành nhà kho, diện tích dài 11,5m, rộng 6,1m. UBND phương đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.
Tiếp đó, ngày 28/02/2022, UBND phường tiếp tục ra thông báo lần 2 về việc yêu cầu ba hộ trên tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng các hộ đều có đơn xin tạm giữ lại phần vi phạm này. Lý do: Các công trình trên đều xây dựng trước thời điểm 01/7/2014, các hộ chỉ cải tạo lại bằng vật liệu tạm, lắp ghép, không kiên cố. Mặt khác, tất cả các công trình đều dùng cho sản xuất nông nghiệp. Theo quy hoạch của phường đến năm 2030, phần đất này đều nằm trong quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, đã được phường cho thuê thời hạn 40 năm và đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đề nghị được tạm thời giữ lại các công trình vi phạm, các hộ cam kết sẽ tháo dỡ nếu Nhà nước yêu cầu khi có dự án đầu tư tại đây.
Trên cơ sở đề nghị của ba hộ trên, xét thực tế khu vực này nằm trong vùng quy hoạch phát triển trang trại tổng hợp đã được phê duyệt, được cho thuê đất thời gian 40 năm để sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đa số công trình vi phạm đều xây dựng bằng khung sắt, gạch, lợp tôn ngói, không có kết cấu bê tông, cốt thép, UBND phường Phú Sơn đã báo cáo, xin hướng xử lý của thị xã.
Cũng về việc xử lý vi phạm sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 12233/UBND-NN, ngày 12/8/2021 về việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại mục 2.1, có nêu tóm tắt như sau: Lập hồ sơ xử lý và xem xét cấp Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với 1.751 trường hợp vi phạm (đã xây dựng nhà ở, kho xưởng, trang trại…) trên đất nông nghiệp trước ngày 01/7/2014 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 01/7/2014. Nếu không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì tạm thời sử dụng đất nguyên trạng cho đến khi nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Đối với 3.080 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau 01/7/2014 thuộc đối tượng quy định tại Điều 64, Luật đất đai năm 2013, giao Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo rà soát thời hiệu từng trường hợp, làm cơ sở xử lý nghiêm theo quy định.
Về vụ việc tại Bỉm Sơn, ngày 21/10/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 15755/UBND-NN, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh về việc xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp tại phường Phú Sơn, căn cứ văn bản pháp luật hiện hành, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thị xã Bỉm Sơn xử lý dứt điểm các vi phạm; theo dõi việc xử lý của UBND thị xã Bỉm Sơn. Yêu cầu UBND thị xã Bỉm Sơn thực hiện nghiêm túc các công việc theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Tài nguyên và môi trường; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/11/2022.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Bỉm Sơn đã có công văn chỉ đạo UBND phường Phú Sơn tổ chức rà soát các hạng mục công trình vi phạm (đối với ba hộ gia đình đã nêu – PV), lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Kết quả thực hiện báo cáo UBND thị xã trước ngày 20/11/2022.
Một số hình ảnh về các công trình khang trang, to đẹp được xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn. |
Như vậy, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh dựa trên kết quả kiểm tra, xác minh của các cấp, ngành có thẩm quyền. Việc xử lý vi phạm tại Bỉm Sơn sẽ được thực hiện dứt điểm trong thời gian gần đây, theo hướng những hạng mục công trình vi phạm sau ngày 01/7/2014 sẽ phải tháo dỡ, trả lại nguyên trạng mặt bằng. Những hạng mục xây dựng trước thời điểm trên, sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận qquyền sử dụng đất. Nếu không đủ điều kiện tạm thời sử dụng nguyên trạng, không phát sinh công trình mới.
Đối chiếu với báo cáo của UBND phường Phú Sơn, UBND thị xã Bỉm Sơn (nếu đúng với thực tế). Những công trình vi phạm xây dựng sau ngày 01/7/2014 của ba hộ bà Phạm Thị Thành, Hứa Thị Gấm và Phạm Thị Hoài Thanh (thuộc diện phải tháo dỡ) đều chỉ là nhà bếp hoặc kho chứa nông sản, có diện tích từ vài chục đến dưới 100 m2. Phần chiếm diện tích lớn, được cho là “công trình khủng” đa số đều là những hạng mục công trình xây dựng trước ngày 01/7/2014 và cải tạo, nâng cấp sau thời điểm này (thuộc diện được xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giữ nguyên hiện trạng sử dụng nếu không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất).
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng về vụ việc này, ông Đào Vũ Việt – Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn cho biết: “Sau khi nắm thông tin, Thị ủy đã yêu cầu UBND thị xã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra sai phạm. Đồng thời chỉ đạo UBND thị xã, UBND phường Phú Sơn kiểm tra, xác minh vụ việc, xử lý dứt điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo kết quả trước ngày 20/11/2022”.
Nguồn: Báo xây dựng