Nghệ An: Xử lý cơ sở tái chế dầu thải trái phép quy mô lớn

Cụ thể, cơ sở tái chế dầu nhớt thải vừa bị phát hiện nói trên thuộc xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ do Hồ Đức Sỹ (33 tuổi), trú tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 03 xe ô tô tiếp nhận và vận chuyển 18,6 tấn dầu tái chế từ cơ sở tái chế của Hồ Đức Sỹ và hệ thống chưng cất, tái chế dầu nhớt thải trị giá trên 900 triệu đồng cùng hơn 26 tấn dầu nhớt thải, cặn dầu thải và dầu tái chế.

Hàng chục tấn dầu thải được phát hiện tại một cơ sở ở Tân Kỳ 

Qua xác minh, bắt đầu từ tháng 9/2022, Hồ Đức Sỹ thuê 500 m2 đất rừng sản xuất ở một vị trí vắng người, sâu trong rừng xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ nhằm mục đích che dấu hành vi vi phạm, rồi đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tái chế dầu thải (thuộc danh mục chất thải nguy hại) trái phép. Sau đó tổ chức thu mua dầu nhớt thải của các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe trên địa bàn tình Nghệ An và Thanh Hóa mang về chưng cất thành dầu tái chế để bán cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Qua kiểm tra, việc Hồ Đức Sỹ xây dựng và tổ chức vận hành cơ sở tái chế tại đây không có bất cứ thủ tục, giấy tờ gì liên quan do cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và xử lý chất thải nguy hại.

Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 03 ô tô, 45 tấn dầu tái chế, dầu thải các loại; 02 lò nấu chất cất dầu có tổng dung tích 9 m3, 05 bồn chứa bằng thép có dung tích 47 m3, 19 thùng nhựa loại 01 m3, 145 can nhựa, 01 dàn làm mát ngưng tụ dầu, 1 máy phát điện và các phương tiện, thiết bị liên quan. Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra.

Trước đó, Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã phát hiện một cơ sở đang hoạt động tái chế dầu nhớt thải (thuộc danh mục chất thải nguy hại) trái phép tại khu vực xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện và tạm giữ khoảng 45.000 lít dầu, trong đó có 20.000 lít dầu thải chưa tái chế và 25.000 lít dầu thành phẩm, 1 xe ô tô dạng bồn chở dầu.

Chủ cơ sở là ông Hồ Đình Cường (cũng trú tại huyện Quỳnh Lưu) khai nhận toàn bộ số dầu thải trên được thu mua tại các xưởng sửa chữa ô tô, mô tô trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành lân cận. Sau đó số dầu thải trên được nấu, chưng cất thành dầu thành phẩm, bán cho người có nhu cầu với giá 12.000 – 13.000 đồng/lít. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ hợp lệ về việc tái chế dầu thải.

Liên quan đến dầu tái chế và dầu nhớt, các cơ quan ban ngành có trách nhiệm đã soạn thảo các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với loại sản phẩm này. Theo Quy chuẩn, dầu thải là dầu có nguồn gốc khoáng thiên nhiên và dầu tổng hợp (không bao gồm dầu có nguồn gốc thực phẩm) được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Tái chế dầu thải là quá trình xử lý nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các tạp chất, thành phần và tính chất nguy hại để thu hồi dầu tái chế.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 56:2013/BTNMT về tái chế dầu thải, quy chuẩn này quy định các yêu cầu về tính năng kỹ thuật và môi trường đối với hoạt động tái chế dầu thải. Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tái chế dầu thải; cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; đơn vị lấy mẫu, phân tích và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiếp đến là QCVN 14:2018/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với dầu nhờn dùng cho động cơ đốt trong. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với dầu nhờn động cơ đốt trong dùng trong mục đích an ninh, quốc phòng…

Hướng dẫn cách nhận biết dầu nhớt giả

Dầu nhớt giả thường có bao bì nhìn rất cũ, khi cầm cảm giác không chắc chắn, lớp màng dán bên trong nắp dán qua loa, xiêu vẹo. Khi cầm bóp bình nhớt giả sẽ có cảm giác căng mà rất lỏng lẻo do công nghệ đóng chai không đảm bảo tiêu chuẩn như hàng các sản phẩm dầu nhớt chính hãng được.

Hơn nữa, hiện nay có nhiều dòng dầu nhớt được làm giả rất tinh vi với việc sản xuất vỏ chai mới tương tự, điều này khiến người dùng rất khó để nhận ra nên chỉ có cách phân biệt dựa vào các ký hiệu mà nhà sản xuất của mỗi dòng dầu nhớt chính hãng đưa ra để nhận biết.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích