Hà Nội đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trong trường học

Theo thống kê từ ngành Y tế, toàn thành phố Hà Nội hiện có 4.350 bếp ăn tập thể trường học, số trường tự tổ chức nấu là 3. 911 trường, số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 353 trường. Trong đó 212 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 141 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, số trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn ở ngoài mang đến là 86 trường.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở, với số tiền phạt là 132 triệu đồng.

Đặc biệt trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học tại 5 quận, 5 huyện với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm. 

 Hà Nội quyết liệt truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trong trường học. Ảnh minh họa

Đơn cử, theo bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên, hiện nay, quận có 63/63 (100%) trường công lập thuộc quận có bếp ăn tập thể triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Trong đó 6 trường đăng ký với thành phố (4 trường tiểu học: Gia Quất, Đô thị Việt Hưng, Gia Thụy và Đoàn Kết; 2 trường Mầm non: Hồng Tiến và Thạch Bàn). Các trường thành lập và duy trì hoạt động của Tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn tập thể trường học; đảm bảo đủ các điều kiện an toàn thực phẩm về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bà Nguyệt cho biết thêm, trong nhiều năm nay, khi chuẩn bị kết thúc năm học UBND quận Long Biên đã chỉ đạo rà soát các đơn vị cung cấp thực phẩm, đánh giá chất lượng hiệu quả của đơn vị cung cấp thực phẩm của năm học trước, để chuẩn bị cho năm học sau; lựa chọn các nhà thầu cung cấp bảo đảm nhất để tổ chức ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn quận. Qua đó đã giúp việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của quận được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Do vậy, chính quyền các cấp, các ngành công thương, nông nghiệp cần quyết liệt trong quá trình truy xuất nguồn gốc bởi các đơn vị cung ứng thực phẩm lấy nhiều nguồn hàng từ nội địa, ngoại địa nhập vào bếp ăn tập thể, không để xảy ra sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, qua việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể trường học và chọn được những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đưa vào các bếp ăn phục vụ cho học sinh. Bên cạnh đó cũng để hạn chế vấn đề ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngăn ngừa các bệnh lây qua đường thực phẩm.

Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về vấn đề đảm bảo an toàn cho thực phẩm bếp ăn tập thể trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã tổ chức kiểm tra tại 5 quận, 5 huyện trong thời gian qua. Đối với các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát đối với các bếp ăn tập thể trường học, qua kiểm tra giám sát phát hiện những vi phạm hoặc không chấp hành những quy định về an toàn thực phẩm có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng cung cấp đối với các bếp ăn tập thể đó. Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường phải xác định tất cả các thực phẩm đưa vào nhà trường phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và quá trình giao nhận thực phẩm phải có hóa đơn, sổ giao nhận thực phẩm hàng ngày phải có ký kết rõ ràng giữa hai bên.

Đối với nhà cung cấp thực phẩm phải chấp hành tất cả thủ tục pháp lý đối với các thực phẩm đưa vào để tham gia chế biến thức ăn trong trường học. Ngoài ra phải chứng minh được hồ sơ của những thực phẩm đó từ vấn đề nuôi trồng, đánh bắt đến vận chuyển, lưu thông và bảo quản đến khâu chế biến tại nhà trường. Qua việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc, nhà trường cũng như chính quyền địa phương phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm của nhà cung cấp về nguồn gốc xuất xứ thì phải dừng cung cấp thực phẩm tại thời điểm đó.

Truy xuất nguồn gốc là gì?

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp cho người tiêu dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Tại các nước tiên tiến truy xuất nguồn gốc là một trong những khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn đưa ra lưu thông trên thị trường. Riêng tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi có chủ trương thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, rau củ quả, thịt heo… của Chính phủ.

Tại sao cần phải truy xuất nguồn gốc?

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với các sản phẩm, hàng hóa việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi sử dụng. Người tiêu dùng thông qua việc truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Từ đó, hạn chế được việc phải mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc…

Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đồng thời, tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm, hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm khác trong và ngoài nước. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích