Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội: Vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng được quản lý, sử dụng như thế nào?

Trọng trách lớn

Nhằm tập trung đầu mối các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa – Xã hội, năm 2016, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban QLDA Văn hóa – Xã hội) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 Ban quản lý dự án chuyên ngành trước đó.

Theo quy định, Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội là tổ chức sự nghiệp công lập. Sau khi được thành lập, Ban QLDA Văn hóa – Xã Hội Hà Nội sẽ có chức năng làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, y tế, thể thao và du lịch…, sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách khi được thành phố giao…

Các Dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng được quản lý, sử dụng như thế nào tại Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội?
Các Dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng được quản lý, sử dụng như thế nào tại Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội?

Giám đốc là người đứng đầu Ban quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban quản lý dự án. Được biết, Ban QLDA Văn hóa – Xã hội thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Trường Sơn làm Giám đốc. Các ông: Đàm Đức Dũng, Nguyễn Ngọc Tường, Phạm Đình Tuấn là Phó Giám đốc ban.

Tài liệu bạn đọc phản ánh tới Báo GD&TĐ cho thấy, thời gian gần đây TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng, cải tạo một số bệnh viện trên địa bàn. Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Lãnh đạo Ban phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thành ủy, UBND, người dân thành phố Hà Nội về việc quản lý hiệu quả, tiết kiệm, không thất thoát nguồn vốn  đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Điều gì đã diễn ra ở các dự án bệnh viện lớn của thành phố?

Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy, tháng 3/2019, Sở KH&ĐT Hà Nội có QĐ số 227/QĐ-KHĐTcho phép thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây với tổng mức đầu tư hơn 468,992 tỉ đồng và QĐ số 208/QĐ-KHĐT cho phép thực hiện dự án cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với tổng mức đầu tư hơn 303,165 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư của 2 dự án này đều là Ngân sách Thành phố và do Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội làm chủ đầu tư, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Trong hai ngày, 23 và 24/12/2019, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Giám đốc Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội đã ký một loạt quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thuộc hai dự án nêu trên.

Đơn cử, ngày 23/12/2019, ông Nguyễn Ngọc Tường đã ký QĐ số 936/QĐ-BQLDA lựa chọn liên danh 5 nhà thầu gồm: Cty TNHH Đầu tư xây dựng Thu Thảo 26, Cty TNHH Phát triển công nghệ và xây dựng Việt Nam, Cty TNHH thang máy và thiết bị Nam Long, Cty CP Nhật Dương, Cty CP Xây dựng kỹ thuật SH Việt Nam trúng gói thầu số 05 (thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà Nội trú – Ngoại sản; hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà thuộc dự án Cải tạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông) với giá trúng thầu là 219.449.611.000 đồng.

Gói thầu này trước đó được Ban QLDA Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội tổ chức mời thầu có giá dự toán là 220.110.832.128 đồng và giá gói thầu: 205.632.350.000 đồng. Như vậy, sau đấu thầu giá trúng thầu của liên danh trên cao hơn giá gói thầu và chỉ thấp hơn giá dự toán hơn 661 triệu đồng. “ở một gói thầu có giá dự toán hơn 220 tỉ đồng, sau đấu thầu chỉ tiết giảm cho vốn đầu tư ngân sách khoảng 661 triệu đồng là con số quá ít ỏi cho đầu tư ngân sách thông qua hoạt động đấu thầu” – một nhà thầu phản ánh.

Ngày 24/12/2019, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Giám đốc Ban QLDA Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội  ký QĐ số 961/QĐ-BQLDA lựa chọn liên danh 3 nhà thầu gồm: Cty TNHH đầu tư phát triển Tùng Bách, Cty CP xây dựng kỹ thuật SH Việt Nam, Cty TNHH xây dựng Bảo Sơn, Cty CP xây dựng và kỹ thuật HAFA trúng gói thầu số 07 (thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị Nhà khám và điều trị, kỹ thuật nghiệp vụ; Nhà điều trị – Hành lang cầu; Hệ thống khí y tế, PCCC ngoài nhà của dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây) với giá trúng thầu là 294.946.446.000 đồng.

Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 07 thuộc Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.
Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 07 thuộc Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây.

Xác minh cho thấy một lần nữa nhà thầu trúng thầu vượt giá gói thầu, nhưng nằm trong giá dự toán cho phép. Gói thầu này được Ban QLDA Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội  mời thầu với giá 284.393.392.067 đồng. Giá dự toán gói thầu này là 295.596.447.949 đồng. Như vậy, nếu so với giá dự toán của gói thầu thì sau đấu thầu “công khai, minh bạch” lãnh đạo Ban QLDA Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội chỉ tiết giảm cho vốn đầu tư ngân sách khoảng 650 triệu đồng/dự toán gói thầu gần 296 tỉ đồng. Hệ số giảm giá èo uột này đang gây nghi ngại trong dư luận về tính hiệu quả, tiết kiệm vốn đầu tư ngân sách thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại Ban QLDA Văn hóa – Xã hội thành phố Hà Nội.

Tháng 12/2018, Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội có quyết định cho phép thực hiện dự án Mở rộng và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đạt tiêu chuẩn Bệnh viện hạng II với tổng mức đầu tư là 640.468.000.000 đồng từ nguồn ngân sách TP. Dự án do Ban QLDA Văn hóa – Xã hội TP Hà Nội làm chủ đầu tư, mời thầu, lựa chọn nhà thầu.

Sau quá trình đấu thầu “công khai, minh bạch”, ngày 25/10/2019, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Giám đốc Ban QLDA Văn hóa – Xã hội thành phố Hà Nội  kí QĐ số 777/QĐ-BQLDA lựa chọn liên danh: Cty CP Xây dựng và Kỹ thuật HAFA, Cty TNHH thang máy và thiết bị Nam Long, Cty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách, Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Cty TNHH Một thành viên, trúng gói thầu số 13 (toàn bộ hạng mục thi công và lắp đặt TB theo công trình – phần điều chỉnh nhà nghiệp vụ kỹ thuật và điều trị nội, ngoại trú… thuộc dự án trên) với giá trúng thầu 262.580.769.000 đồng. Được biết, gói thầu này trước đó được tổ chức đấu thầu, mời thầu có giá dự toán là 263.435.599.349 đồng và giá gói thầu là 264.442.500.000 đồng.

Xác minh của GD&TĐ cũng cho thấy ngày 24/12/2019, lãnh đạo Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội ký QĐ 963/QĐ-BQLDA lựa chọn liên danh Cty cổ phần tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Đất Việt, Cty cổ phần tư vấn và kinh doanh năng lượng, Cty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam trúng thầu gói thầu số 09: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Nhà thường trực; nhà kỹ thuật; cổng tường rào, trạm xử lý nước thải và sân vườn, hệ thống điện, cấp, thoát nước ngoài nhà, đường nội bộ… (thuộc dự án nâng cấp, cải tạo Bệnh viện đa khoa Sơn Tây)  với giá trúng thầu 38.781.147.000 đồng.

Gói thầu này trước đó được Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội mời thầu là 30.465.097.169 đồng, giá dự toán gói thầu là 39.026.283.573 đồng. Như vậy, sau đấu thầu gọi là “công khai, minh bạch” lãnh đạo Ban QLDA Văn hóa – Xã hội Hà Nội chỉ tiết giảm được cho đầu tư ngân sách khoảng 245 triệu đồng/dự toán gói thầu là hơn 39 tỉ đồng. Tình trạng nhà thầu trúng thầu vượt giá gói thầu, nằm trong giá dự toán cho phép lại được tiếp diễn.

“Theo quy định hiện hành của pháp luật thì việc thực hiện các dự án đầu tư phải thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu công khai, minh bạch các gói thầu của dự án là để đảm bảo chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất thực hiện dự án, tiết giảm được tối đa cho vốn đầu tư. Chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý liên quan. Hoạt động này nếu không chí công, vô tư thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải làm rõ về quá trình xây dựng đơn giá, lập dự toán, xây dựng giá gói thầu. Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành” – luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm.

 

Link gốc tại đây

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích