Châu Âu ghi nhận tháng 10 nóng kỷ lục

Châu Âu ghi nhận tháng 10 nóng kỷ lục

MTĐT –  Thứ tư, 09/11/2022 10:09 (GMT+7)

Theo cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu cho biết hôm 08/11, nhiệt độ tại Châu Âu vào tháng 10 cao kỷ lục, đạt gần 2 độ C so với thời kỳ tham chiếu 1991-2020

Nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở một số địa điểm ở Tây Âu vào tháng 10 như Áo, Thụy Sĩ và Pháp, cũng như các khu vực lớn của Ý và Tây Ban Nha.

Các khu vực duy nhất của lục địa mà tháng 10 năm nay lạnh hơn mức trung bình là một số hòn đảo của Hy Lạp và Iceland. Trong khi một số vùng ở Balkan và Hy Lạp có nhiệt độ gần trung bình, thì ở những nơi khác lại nóng hơn mức trung bình.

Trên toàn cầu, tháng 10 năm 2022 ấm hơn 0,41 độ C so với mức trung bình năm 1991-2020 và nó chỉ mát hơn khoảng 0,04 độ C so với tháng 10 năm 2019 – tháng 10 ấm nhất được ghi nhận.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Phó giám đốc C3S, Samantha Burgess cho biết: “Những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày nay rất rõ ràng và chúng ta cần có hành động khí hậu đầy tham vọng tại COP27 để đảm bảo giảm lượng khí thải nhằm ổn định nhiệt độ gần với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C”.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham gia các cuộc thảo luận cam go tại Ai Cập và phải đối mặt với những lời kêu gọi khẩn cấp giảm khí thải nhằm tránh các thảm họa khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước cần hợp tác, nếu không sẽ phải đối mặt với “cuộc tự sát tập thể” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phát biểu tại COP27, ông Guterres nhấn mạnh: “Nhân loại đang đối mặt với một lựa chọn: hợp tác hoặc hủy diệt”.

Tổ chức Khí hậu thế giới (WMO) ngày 6/11 cho biết, nếu các dự báo cho năm 2022 là đúng thì trong 8 năm vừa qua, năm nào cũng nóng hơn so các năm trước 2015, cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn đáng kể. Theo tổ chức này, mực nước biển tăng, băng tan, mưa lớn, các đợt gió nóng sẽ gia tăng khi nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.

Trái đất đã ấm hơn 1,1 độ C so cuối thế kỷ XIX, trong đó một nửa mức tăng nhiệt này được ghi nhận trong vòng 30 năm trở lại đây. Năm 2022 sẽ là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận, bất chấp tác động của La Nina từ năm 2020 – hiện tượng tự nhiên tại Thái Bình Dương có tác động làm lạnh khí quyển.

Hải Sơn (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích