Thi hành xong 1.895 việc, thu gần 16.000 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế

Đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, năm 2022, tổng số phải thi hành là hơn 861.000 việc; có điều kiện thi hành gần 654.000 việc. Đến nay đã thi hành xong hơn 539.000 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành gần 337.000 tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165.000 tỷ đồng; thi hành xong trên 75.000 tỷ đồng, đạt 45,42%.

“Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Thi hành xong 1.895 việc, thu gần 16.000 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo công tác thi hành án. (Ảnh: Quốc hội)

Thảo luận về báo cáo công tác thi hành án, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) đánh giá cao kết quả công tác thi hành án dân sự, đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đại biểu, công tác thi hành án dân sự năm 2022 đạt được kết quả đáng ghi nhận, đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, đó là nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự, như là kinh phí hoạt động, trụ sở, kho, vật chứng của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương…. chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ chấp hành viên bị quá tải rất nhiều trong công việc.

Qua báo cáo cho thấy, từ năm 2016 đến nay biên chế công chức thi hành án dân sự liên tục cắt giảm, giảm 1.016 biên chế, tức là giảm 10,16% so với biên chế được giao năm 2015. Trong khi đó, so với năm 2016 số việc phải thi hành năm 2022 tăng 5% nhưng giá trị phải thi hành tăng đến 259%.

Tính chất công việc càng ngày càng phức tạp, giá trị phải thi hành ngày càng lớn, nhưng biên chế liên tục bị cắt giảm, đơn cử như khối lượng công việc, số tiền phải thu hồi qua các vụ án về kinh tế, tham nhũng hay các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động của các công ty đa cấp, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, các vụ việc này có hàng ngàn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

“Thực tế trên là nguy cơ dẫn đến hoạt động thi hành án dân sự trở thành điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động tố tụng, vì các cơ quan này đang trong tình trạng không có đủ nguồn lực để thực hiện”, đại biểu nói.

Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự các cấp

Cũng theo đại biểu Lã Thanh Tân, hiện nay bình quân mỗi chấp hành viên phải thi hành 227 việc/1 năm và tiền 88,7 tỷ đồng/1 năm, tại một số địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai thì trung bình mỗi chấp hành viên có số lượng việc phải đi hành lên đến gần 400 việc/1 năm và trên 100 tỷ đồng/1 năm.

Thi hành xong 1.895 việc, thu gần 16.000 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế
Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Quốc hội)

Cá biệt như Thành phố Hồ Chí Minh số tiền phải thi hành là trên 400 tỷ đồng/1 năm cho 1 chấp hành viên, Hà Nội, Đà Nẵng là trên 200 tỷ đồng/1 năm cho 1 chấp hành viên. Đây thực sự là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1259 ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức cơ quan hành chính nhà nước thì đến năm 2026 biên chế các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có biên chế của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giảm 5%. Đây sẽ là một khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan thi hành án.

Trong khi đó, đại biểu cho biết, đối với ngành Tòa án nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân, trên cơ sở xem xét khối lượng công việc tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp, biên chế hai ngành này giai đoạn 2022-2026 ở mức tương đương mức giao thời điểm năm 2015.

Vì vậy, để hệ thống cơ quan thi hành án dân sự có điều kiện, nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự các cấp; tách riêng số biên chế cơ quan thi hành án dân sự và điều chỉnh cơ chế phân bổ biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự theo nguyên tắc tương tự ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân, tiệm cận mức biên chế giao năm 2015.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cũng nhìn nhận, năm 2022 công tác thi hành án đạt được nhiều thành tích, các chỉ tiêu vượt so với năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo đại biểu, công tác này vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể là Viện sát nhân dân các cấp đã phát hiện 1.901 quyết định thi hành án dân sự có vi phạm, đã yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra 51 quyết định thi hành án, ra các quyết định cưỡng chế 61 việc, ban hành 123 kháng nghị và 1.467 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Bên cạnh đó, những vụ án dân sự đã xét xử phúc thẩm, Tòa án và Viện kiểm sát thông báo không kháng nghị nhưng việc thi hành án vẫn chưa dứt điểm…

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí cao với phát biểu của đại biểu Lã Thanh Tân, cho rằng, trong các cơ quan tư pháp nói chung và thi hành án nói riêng thì số lượng vụ việc ngày càng nhiều và càng phức tạp.

“Ví dụ vụ Alibaba tại Thành phố Hồ Chí Minh thì có khoảng trên 5.000 đương sự, xét ra nếu mỗi một đương sự là một việc độc lập thì một vụ đã lên thành 5.000 vụ rồi.

Xin Quốc hội tiếp tục có ý kiến để làm sao việc tăng, giảm biên chế trong khối thi hành án dân sự được phù hợp với tỷ lệ với cơ quan tố tụng khác. Vì bản án dân sự hoặc phần dân sự trong các vụ án hình sự và hành chính chuyển sang khối thi hành án thì số lượng là tương đương”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích