Tối nay 8/11 sẽ xuất hiện nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam
Tối nay 8/11 sẽ xuất hiện nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam
Tối nay 8/11 sẽ xuất hiện nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam. Đây là kỳ nguyệt thực duy nhất trong năm 2022 mà người Việt có thể tận mắt chứng kiến.
Chiều tối nay 8/11, nguyệt thực toàn phần sẽ xuất hiện trên khắp Việt Nam.
Đây là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời do bị che khuất bởi Trái Đất.
Nguyệt thực tháng 11 là kỳ nguyệt thực thứ hai của năm nay. Đây cũng là kỳ nguyệt thực duy nhất trong năm 2022 mà người dân Việt Nam có thể quan sát.
Khác với kỳ nguyệt thực tháng 5 trước đó chỉ có thể chứng kiến ở Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và khu vực Thái Bình Dương, kỳ nguyệt thực tháng 11 có thể quan sát trên toàn bộ các tỉnh, thành phố Việt Nam, miễn là điều kiện thời tiết cho phép.
Tại Việt Nam sẽ không thể quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Thay vào đó, người dân sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình diễn ra nguyệt thực toàn phần.
Nguyệt thực toàn phần bắt đầu xuất hiện vào lúc 17h16 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 20h55. Thời điểm quan sát nguyệt thực dễ nhất là sau 18h00 tối, khi Mặt Trăng đã lên cao so với đường chân trời.
Người xem không cần dùng đến kính thiên văn mà chỉ cần tìm đến nơi có tầm nhìn thoáng, không gian rộng và ít gặp vật cản để quan sát nguyệt thực.
Dưới đây là các mốc thời gian chi tiết về diễn biến của nguyệt thực tối 8/11:
Trước 17h16: Nguyệt thực nửa tối và nguyệt thực một phần. Giai đoạn này của nguyệt thực không thể quan sát được tại Việt Nam do Mặt Trăng nằm ở vị trí bên dưới đường chân trời.
17h16: Nguyệt thực toàn phần bắt đầu.
Lúc này, Mặt Trăng đã bắt đầu mọc ở phía đường chân trời. Ở thời điểm này, người xem chỉ có thể quan sát ở những vị trí cao, khu vực trời quang, không có vật cản. Tại các thành phố, Mặt Trăng dễ bị che khuất bởi các tòa nhà cao tầng.
18h00: Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại
Đây là thời điểm thích hợp nhất để có thể bắt đầu quan sát và chụp ảnh nguyệt thực toàn phần.
Khu vực có thể quan sát nguyệt thực
Nguyệt thực 8/11 sẽ diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có thể quan sát hiện tượng này. Tuy vậy, việc quan sát nguyệt thực sẽ phụ thuộc vào tình trạng thời tiết.
Theo Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), trong chiều tối nay, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đều có mây, đêm không mưa. Đây là điều kiện tương đối lý tưởng để quan sát nguyệt thực.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mây, đêm không mưa, phía nam có mưa một vài nơi.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Với điều kiện thời tiết như trên, người dân các tỉnh phía nam sẽ gặp bất lợi khi quan sát nguyệt thực toàn phần.
Cách quan sát nguyệt thực
So với các hiện tượng thiên văn khác, nguyệt thực là một trong những hiện tượng dễ quan sát nhất. Người xem không cần dùng đến kính thiên văn mà chỉ cần tìm đến nơi có tầm nhìn thoáng, không gian rộng và ít gặp vật cản để quan sát hiện tượng này.
Tuy vậy, nếu có thể, hãy chuẩn bị sẵn ống nhòm hoặc một kính thiên văn nhỏ để việc quan sát nguyệt thực được rõ ràng và chi tiết nhất.
Trời sẽ trở lạnh tại nhiều nơi trên cả nước vào đêm nay. Do đó, nếu có ý định ra ngoài chiêm ngưỡng nguyệt thực, người xem cần mang đủ áo ấm và những vật dụng, đồ ăn, thức uống cần thiết.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng thẳng hàng. Lúc này, Mặt Trăng nằm lọt thỏm trong bóng của Trái Đất và không nhận được ánh sáng chiếu đến từ Mặt Trời.
Theo lý thuyết, Mặt Trăng sẽ biến mất khỏi tầm nhìn khi quan sát từ một số điểm trên Trái Đất. Tuy vậy, trong thực tế, mỗi khi diễn ra nguyệt thực toàn phần, Mặt Trăng vẫn còn đó, chỉ bị tối đi và chuyển sang màu đỏ sẫm.
Dù không có ánh sáng trực tiếp chiếu từ Mặt Trời đến Mặt Trăng, bầu khí quyển của Trái Đất đã bẻ cong các bước sóng có ánh sáng đỏ. Những ánh sáng đỏ này chiếu đến Mặt Trăng và tạo nên màu đỏ sẫm khi nhìn từ Trái Đất.
Đây được gọi là hiện tượng tán xạ Rayleigh. Hiện tượng này cũng giải thích việc xuất hiện các màu sắc khác nhau trên bầu trời khi ánh sáng Mặt Trời tương tác với bầu khí quyển Trái Đất.
Mỗi khi xảy ra nguyệt thực toàn phần, Mặt Trăng thường chuyển sang màu đỏ như máu. Do vậy, trong quá khứ, các cư dân thuộc nền văn minh Lưỡng Hà, Maya thường gắn hiện tượng này với những điềm báo không lành. Đây cũng là lý do hiện tượng nguyệt thực thường gắn liền với cụm từ “Trăng Máu”.
Tuấn Anh (TH)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị