Phù Cát (Bình Định): Xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp

Phù Cát (Bình Định): Xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp

MTĐT –  Thứ ba, 08/11/2022 08:53 (GMT+7)

Một hộ dân sinh sống tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành tự ý xây dựng ngôi nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp. Sau khi phát hiện hành vi trên, UBND xã Cát Thành lập biên bản yêu cầu gia chủ dừng thi công công trình.

Một hộ dân sinh sống tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành tự ý xây dựng ngôi nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp. Sau khi phát hiện hành vi trên, UBND xã Cát Thành lập biên bản yêu cầu gia chủ dừng thi công công trình. Trường hợp này không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Cát Thành mà còn các địa phương khác của huyện Phù Cát với 99 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về trường hợp một hộ dân đang sinh sống tại Mũi Đá Vang, thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, huyện Phù Cát tự ý xây dựng ngôi nhà kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích khá lớn mà chưa bị chính quyền địa phương xử lý, Phóng viên đến hiện trường khu đất này thì mới biết đây là khu đất mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn xã Cát Thành gây bức xúc trong dư luận…

z3861176190486_84f451491fcd4860da4715b261fed709.jpg
Bãi tập kết cát đến nay vẫn tồn tại sau các đợt truy quét khai thác cát trái phép tại xã Cát Thành

Thế nhưng, khu đất này không chỉ có bãi tập kết cát mà nơi đây đã hình thành một quán ăn và mới đây lại mọc thêm quán cà phê với các chòi tiểu cảnh nằm ven hồ sen dưới chân núi An Huy gần bên Mũi Đá Vang. Cảnh đẹp mang hương vị đồng quê mọc trên khu đất nông nghiệp đã được gia chủ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản.

Không chỉ dừng lại việc xây cất tạm, dựng chòi quán ăn và quán cà phê trên đất nuôi trồng thủy sản mà gia chủ còn ngang nhiên xây ngôi nhà kiên cố gần sát dưới chân núi An Huy. Theo UBND xã Cát Thành thì phần đất này là đất lâm nghiệp không phải là đất nông nghiệp như người dân phản ánh.

dsc02910.jpg
Ngôi nhà xây dựng kiên cố hơn 100 m2 trên đất lâm nghiệp dưới chân núi An Huy tại Mũi Đá Vang

Làm việc với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành Mai Văn Bé cho biết: UBND xã sau khi phát hiện sự việc trên thì thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành lập biên bản để xử lý vi phạm hành chính về hành vi xây công trình kiên cố nhà ở trên đất lâm nghiệp và yêu cầu gia chủ dừng thi công và chờ xử lý các bước tiếp theo. Tuy nhiên, do gia đình vừa mới xảy ra tang gia nên UBND xã chưa thể mời người vi phạm lên làm việc để tiến hành xử lý vi phạm hành chính.

Qua hai biên bản vào ngày 27/10/2022 và ngày 3/11/2022 của UBND xã Cát Thành thì chủ hộ vi phạm là ông Mai Xuân Khâm ở thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành. Ông Khâm đã có hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp tại thửa đất số 134, tờ bản đồ số 1 (phân cấp 3 loại rừng) với diện tích xây dựng là 116,5 m2.

dsc02918.jpg
Gia chủ chuyển dổi đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Tạ Công Thượng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cát cho biết: Những trường hợp xây dựng công trình nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích thì trách nhiệm địa phương xử lý đầu tiên, trường hợp nào vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND huyện chỉ đạo xử lý. Phòng sẽ cho kiểm tra lại về trường hợp này. Hiện UBND huyện Phù Cát đang tăng cường xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên tuyến đường ven biển theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.

Theo báo cáo của UBND huyện Phù Cát thì có 99 vụ lấn chiếm đất đai nằm trên địa bàn các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải và thị thấn Cát Tiến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy con số vi phạm còn nhiều hơn, số vi phạm này xảy ra nhiều thời điểm, tính chất, đặc điểm khác nhau, có vụ vi phạm trong thời gian dài, có vụ mới phát sinh nhưng UBND các xã, thị trấn không kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời.

Đối với 99 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, UBND huyện Phù Cát yêu cầu các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải và thị thấn Cát Tiến, tiến hành phân loại, kiểm tra hiện trạng sử dụng, thẩm tra, xác minh nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất, hồ sơ pháp lý liên quan đến thửa đất đối với từng trường hợp. Chậm nhất ngày 15/11/2022 phải xử lý dứt điểm 99 trường hợp vi phạm nêu trên.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích