Số ca tử vong do nắng nóng trên toàn cầu tăng 68% trong vòng 20 năm

Số ca tử vong do nắng nóng trên toàn cầu tăng 68% trong vòng 20 năm

MTĐT –  Thứ hai, 07/11/2022 15:20 (GMT+7)

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet số ra mới đây, số ca tử vong liên quan nắng nóng trên toàn cầu tăng 68% trong vòng 20 năm kể từ năm 2000. Thời tiết cực đoan cũng gây thiệt hại khoảng 253 tỷ USD vào năm 2021.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet số ra mới đây, số ca tử vong liên quan tới nắng nóng trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra đã tăng 68% trong vòng 20 năm kể từ năm 2000, với biến đổi khí hậu cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở nhiều nước.

Trong thông điệp trước thềm COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cảnh báo, trái đất đang tiến gần điểm giới hạn không thể đảo ngược về khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng ảnh hưởng nghiêm trọng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet số ra mới đây, số ca tử vong liên quan nắng nóng trên toàn cầu tăng 68% trong vòng 20 năm kể từ năm 2000. Thời tiết cực đoan cũng gây thiệt hại khoảng 253 tỷ USD vào năm 2021.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn cũng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đến sản lượng mùa màng. Số người rơi vào cảnh thiếu lương thực trong năm 2020 ước tính đã tăng lên 98 triệu người ở 103 quốc gia so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2010.

Trên thực tế, mặc dù chỉ gây ra khoảng 3% trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng vì thiếu nguồn lực để ứng phó, châu Phi đang gánh chịu những tổn thất nặng nề do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), châu lục này đang mất từ 5% đến 15% tăng trưởng GDP do những tác động của biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ Trái Đất ấm hơn cũng tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết đã tăng 12% trong giai đoạn từ năm 2012-2021 so với giai đoạn từ năm 1951-1960. Sự bùng phát đồng thời dịch sốt xuất huyết cùng với dịch COVID-19 đã làm gia tăng áp lực lên các hệ thống y tế, gây chẩn đoán sai, và những khó khăn trong kiểm soát cả hai dịch bệnh này ở nhiều khu vực ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trong năm 2020 có 3,3 triệu ca tử vong do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5, trong đó có 1,2 triệu ca là có liên quan trực tiếp tới ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước trên thế giới nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Nghiên cứu được công bố trước thềm diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) từ ngày 6 đến 18-11 tại Ai Cập.

Đứng trước những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động khẩn cấp, coi COP27 là cơ hội để cùng nhau giúp trái đất chiến thắng trong “cuộc chiến một mất, một còn” hiện nay.

Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng Hội nghị hướng đến là huy động nguồn tài chính giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu. Khẳng định, trách nhiệm về tài chính của các nước đang phát triển là không thể phủ nhận, ông Guterres nhấn mạnh, các nước giàu cần đưa ra lộ trình đáng tin cậy với các cột mốc rõ ràng để thực hiện trách nhiệm này và tốt nhất là dưới hình thức tài trợ, chứ không phải cho vay.

Vấn đề đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu từng nhiều lần được đề cập trong các hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc. Tại COP15, các nước giàu đã cam kết viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo hơn thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.

Tuy nhiên, dù những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra ngày càng nghiêm trọng, đến nay, mục tiêu nêu trên vẫn chưa được hiện thực hóa. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện khoản hỗ trợ giúp các nước đang phát triển thích ứng biến đổi khí hậu thấp hơn từ 5 đến 10 lần so mức cần thiết./.

Biến đổi khí hậu: Tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người và an ninh lương thực

An Na (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích