Đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vừa là cơ hội vừa là rủi ro với Ai Cập
Đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vừa là cơ hội vừa là rủi ro với Ai Cập
Trở thành chủ nhà của COP27 cho phép Ai Cập – quốc gia nợ nần chồng chất đáp ứng nhu cầu về khí hậu của các quốc gia nghèo. Nhưng nó cũng khiến Ai Cập bị giám sát chặt chẽ
Ống hút và thùng rác tái chế có thể phân hủy sinh học, những con đường đi bộ dọc bãi biển và những trạm chờ xe bus điện… Đều là những hình ảnh thân thiện với môi trường mà du khách có thể dễ dàng bắt gặp khi đến Ai Cập vào những ngày này.
Thời gian qua, quốc gia ở khu vực Đông Bắc Phi này đã làm việc không mệt mỏi để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán thành công và tạo động lực cho việc thực hiện các cam kết về khí hậu tại Hội nghị COP27, diễn ra từ ngày 6-18/11 tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh nổi tiếng bên bờ Biển Đỏ.
Nỗ lực của Ai Cập
Giống như các quốc gia châu Phi khác, Ai Cập rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Nile, cái nôi của nền văn minh Ai Cập đang dần trở nên dần cằn cỗi bởi những tác động tiêu cực từ tình trạng nóng lên toàn cầu. Đó cũng là lý do chính mà nước này được lựa chọn để tổ chức Hội nghị COP27.
Có diện tích lớn gấp đôi nước Pháp nhưng Ai Cập gần như bị bao phủ hoàn toàn trong sa mạc. Hiện tại, 95% người dân Ai Cập đang sống trên 5,5% diện tích, chủ yếu dọc theo bờ sông Nile. Ngay cả khi các cuộc đàm phán COP27 thành công trong việc khuyến khích các nước cắt giảm phát thải khí nhà kính và tìm cách tài trợ cho việc khắc phục thảm họa khí hậu, những thay đổi trên thực tế sẽ mất nhiều năm mới có hiệu lực.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất hành tinh về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng ngoại giao Ai Cập và là Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry nhấn mạnh, quốc gia này đã “sẵn sàng để đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới, các đại biểu và các bên liên quan về biến đổi khí hậu để cùng nhau hành động”.
Sự kiện toàn cầu này dự kiến sẽ thu hút khoảng 40.000 quan khách trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có hơn 100 nguyên thủ và các nhà lãnh đạo các nước. Đây cũng sẽ là một trong những hội nghị lớn nhất về biến đổi khí hậu của thế giới với hơn 30.000 đại biểu đăng ký.
Ai Cập đã sẵn sàng tổ chức Hội nghị COP27 tại Sharm El Sheikh vào tháng 11 này. Với tư cách là Chủ tịch COP27, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán thành công và các kết quả đầy tham vọng, đáng tin cậy và cụ thể.
Thời gian qua, chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã nỗ lực để thuyết phục thế giới về những cam kết của Ai Cập trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Quốc gia này đã giám sát việc xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và bán trái phiếu xanh đầu tiên của khu vực để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.
Tháng 5/2022, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi cũng ký hợp đồng với Công ty Công nghiệp Siemens của Đức để xây dựng 2.000 km đường sắt cao tốc xuyên Ai Cập.
Mục tiêu đầy thách thức
Nhưng những cam kết và nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Ai Cập cũng đang vấp phải nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc gia này đặt mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt tự nhiên của khu vực và thủ đô Cairo luôn bị xếp vào các thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Việc Hội nghị COP27 được tổ chức tại Ai Cập cũng làm dấy lên tranh cãi, chỉ trích từ các nhà vận động môi trường và các nhóm nhân quyền.
Đầu tiên, Ai Cập đã có khởi đầu sai lầm khi chọn CocaCola để tài trợ cho Hội nghị. Quyết định này đã khiến các nhà hoạt động và nhà bình luận phải chú ý, họ gọi đây là hành động “tiếp thị xanh” – một cách lừa dối để thuyết phục công chúng rằng, các sản phẩm, mục tiêu và chính sách của tổ chức là thân thiện với môi trường.
Chưa kể, chương trình nghị sự của Ai Cập cũng có nhiều mâu thuẫn. Tháng 8, chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi công bố chiến dịch trồng 100 triệu cây xanh trên toàn quốc, nhưng chỉ sau đó ít lâu, chiến dịch này lại san bằng phần lớn không gian xanh hạn chế của Cairo để xây dựng các siêu xa lộ mới.
Việc lựa chọn Ai Cập làm chủ nhà cũng khiến nước này phải đối mặt với sự giám sát quốc tế mới, thu hút sự chú ý đến các chính sách môi trường của nước này mà một số nhà phê bình phàn nàn rằng “không phải là một hình mẫu”.
Ngoài ra, việc Ai Cập phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch dựa trên hydrocarbon tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi với các nhà hoạt động khí hậu, những người cáo buộc quốc gia này đang trì trệ trong việc cắt giảm khí thải carbon.
Dù Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi gọi Hội nghị COP27 lần này là một “bước ngoặt” sẽ đưa thế giới đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp – mức độ mà các chuyên gia cho rằng cần thiết để ngăn chặn những tác động tai hại nhất của biến đổi khí hậu; tuy nhiên không ít ý kiến hoài nghi liệu Hội nghị phải chăng chỉ là cơ hội để ông Sisi nâng cao vị thế quốc tế của mình và hút thêm tài trợ chiến dịch hiện đại hóa đất nước ít liên quan đến môi trường.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng, Cairo cần duy trì đà phát triển và cho thấy rằng, họ thực sự cam kết tiếp tục những tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các bước ổn định và cụ thể để giảm lượng khí thải và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; từ đó, thực hiện các cam kết được nêu trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) theo COP21.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị