Quảng Ninh: Giải bài toán xử lý nước thải tại các đô thị
Quảng Ninh: Giải bài toán xử lý nước thải tại các đô thị
Những năm gần đây, với hàng loạt các dự án lớn về hạ tầng giao thông, dịch vụ, các khu công nghiệp được triển khai xây dựng đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của cả nước.
Những năm gần đây, với hàng loạt các dự án lớn về hạ tầng giao thông, dịch vụ, các khu công nghiệp được triển khai xây dựng đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của cả nước. Tuy nhiên, đi cùng với đó, Quảng Ninh đang đối mặt với việc giải bài toán về xử lý chất thải ở các đô thị, nhất là nước thải sinh hoạt tại các đô thị để đảm bảo môi trường.
Nhiều hệ thống kênh mương xuống cấp
Được biết đến là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long tập trung khá đông dân cư. Bởi vậy, lượng nước thải sinh hoạt khu vực đô thị nơi đây lên đến hơn 31.720m3/ngày, đêm, còn lượng rác thải sinh hoạt khoảng 100.000 tấn/năm. Từ nhiều năm nay, TP.Hạ Long đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hợp đồng với doanh nghiệp thu gom chất thải rắn của người dân. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn của thành phố đạt khoảng 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, số còn lại được người dân xử lý tại chỗ.
Theo tìm hiểu, hiện TP.Hạ Long mới chỉ có 5 trạm xử lý nước thải được đưa vào sử dụng với công suất 14.276m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, các trạm này mới xử lý được khoảng 45% nước thải sinh hoạt xả vào nguồn tiếp nhận chung. Còn lại vẫn đổ thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra biển, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long là rất lớn.
Cùng chung tình trạng với TP.Hạ Long, TP.Cẩm Phả đang phải đối mặt với vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt. Bởi cũng như Hạ Long, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt vẫn xả vào các hệ thống thoát nước chung rồi đổ thẳng ra biển.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả Phạm Văn Kính cho biết, hệ thống thoát nước hiện có của thành phố phần lớn là hệ thống cống thoát nước chung, cả nước mưa lẫn nước thải, hướng thoát nước chính là chảy vào các tuyến kênh mương dẫn ra biển, nguy cơ ô nhiễm môi trường khó tránh khỏi. Trong khi số lượng các tuyến thoát nước của địa phương tương đối lớn, nhưng do đầu tư chưa đồng bộ, chắp vá và đang bị xuống cấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Đặc biệt, tại TP.Uông Bí đến nay sau nhiều năm triển khai thực hiện hệ thống thoát nước vẫn dở dang, chưa hoàn chỉnh, cũng chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt được hoàn thành, nên nước mưa và nước thải sinh hoạt vẫn xả trực tiếp vào các cống, rãnh và mương thoát nước rồi đổ thẳng ra các sông, gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình như trận mưa lớn, kéo dài vào cuối tháng 8 vừa qua, do hệ thống kênh, mương thoát nước không đồng bộ, đã khiến hàng trăm hộ dân trên địa bàn TP.Uông Bí bị nước tràn vào nhà, gây hư hỏng đồ dùng sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống của người dân tại các phường Quang Trung, Bắc Sơn, Vàng Danh. Tổng thiệt hại của các hộ dân, công trình nhà nước lên tới trên 11 tỷ đồng.
Cần đầu tư đồng bộ
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, hiện nay hệ thống thoát nước của các đô thị trên địa bàn hầu hết đã cũ và xuống cấp, nhiều tuyến cống trong đô thị bị lấn chiếm, bồi lấp, khiến ùn tắc dòng chảy, gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương khi có mưa lớn, kéo dài.
Cùng với đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, các diện tích mặt đất tự nhiên và mặt nước tự nhiên như ao, hồ, kênh mương bị thu hẹp, đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các đô thị. Trong thực tế, nhiều đoạn mương, rãnh, suối thoát nước tự nhiên bị bồi lấp, nắn dòng, không đảm bảo thoát nước và dẫn đến tình trạng ngập úng tại một số khu vực khi mưa lớn, kéo dài. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại các đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái mà còn xảy ra tại các huyện miền núi như Ba Chẽ, Hải Hà.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước khu vực sản xuất than của TKV, Tổng Công ty Đông Bắc gồm hệ thống hồ chứa nước, hồ lắng, kè, cống đã được đầu tư nhưng còn manh mún, chưa khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện có. Vì vậy, khi có mưa lớn, đất đá từ các khu vực sản xuất than bị cuốn trôi theo nước mưa gây bồi lắng, đọng lại ở các tuyến sông, suối, làm giảm khả năng tiêu thoát của các tuyến cống trong khu vực đô thị, dẫn đến ngập lụt cục bộ trong đô thị, gây ô nhiễm môi trường khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Để đẩy mạnh xử lý nước thải sinh hoạt gắn với an ninh nguồn nước, mới đây tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022- 2030.
Theo đó, phấn đấu nâng tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu vực đô thị tập trung tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đến năm 2025 đạt trên 65%, đến năm 2030 đạt trên 70%. Các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái đến năm 2025 đạt trên 30%, đến năm 2030 đạt trên 50%. 100% dự án được cấp phép mới đầu tư theo quy hoạch xây dựng hạ tầng dân cư đô thị, các dự án phát triển KT-XH xung quanh vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và tại các khu đô thị bảo đảm phải có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra của nghị quyết, ngoài đầu tư nguồn lực của địa phương, Quảng Ninh cần tranh thủ huy động các nguồn lực tài chính từ nguồn vốn nước ngoài thông qua các dự án ODA, cũng như cần hoàn thiện quy hoạch hệ thống xử lý nước thải một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Để đẩy mạnh việc xử lý nước thải sinh hoạt, Quảng Ninh đang huy động các nguồn lực tài chính từ vốn nước ngoài, chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn để thu gom và xử lý nước thải tại các thành phố của Tỉnh, như: Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP.Hạ Long sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.Uông Bí sử dụng vốn ODA của Chính phủ Bỉ; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Móng Cái thuộc dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 2- tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vốn vay ADB và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh; Dự án xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Cẩm Phả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị