Hoa Lư (Ninh Bình): Ai chịu trách nhiệm trong việc để vùng lõi di sản Tràng An bị xâm hại?
(Xây dựng) – Công trình kiên cố bị xâm hại trong vùng lõi di sản Tràng An tại thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vừa bị phát hiện là một điểm nóng gây chú ý dư luận, nó chỉ bị phát hiện sau khi được người dân phản ánh, báo chí vào cuộc thì UBND huyện Hoa Lư mới cử tổ công tác đến kiểm tra, lập biên bản tiến hành cho tháo dỡ một công trình. Việc xâm hại vùng lõi di sản không phải là chuyện hiếm ở Ninh Hải, Hoa Lư, câu hỏi mà người dân đặt ra là lãnh đạo địa phương đã thực sự làm tốt vai trò quản lý hay chưa?
Khu đất được san lấp và xây dựng trái phép trên đất vườn và đất lúa 313 là những tòa nhà bê tông cốt thép với hàng nghìn m2 xây dựng tại thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. |
Tại thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, người dân bức xúc về việc hộ gia đình nhà ông Phạm Ngọc Khuê (sinh năm 1959) lợi dụng một số diện tích được cấp phép xây dựng bất chấp các quy định của pháp luật về bảo vệ đất đai và bảo vệ di sản nghiêm ngặt trong vùng lõi Tràng An, vẫn ngang nhiên xây hàng nghìn m2 nhà kiên cố bê tông cốt thép cao tầng trên đất vườn và đất lúa 313. Cụ thể, hộ gia đình này đã xây dựng một tòa nhà kiên cố 3 tầng bằng bê tông cốt thép khoảng 400m2, 2 tòa nhà 2 tầng với tổng diện tích xây dựng khoảng 300m2 mới được đổ mái chưa gắn ngói, một nhà đang xây dở khoảng 200m2. Toàn bộ công trình được quây kín với tường rào cao luôn khóa trái, cổng chỉ mở khi có xe vận tải chở đất đá, vật liệu ra vào.
Người dân sống xung quanh khu đất cho rằng, gia đình ông Khuê phải có thế lực rất lớn tại Ninh Bình mới có thể xây dựng được công trình khủng như thế trong vùng lõi di sản. “Chúng tôi đã thấy các đoàn của tỉnh, huyện vào kiểm tra nhiều lần nhưng không thấy công trình bị tháo dỡ. Các đoàn xe vận tải vẫn ngày đêm chạy vào đổ đất đá san lấp, khoan đục làm náo loạn các khu vực xung quanh. Gần 1km đường bê tông mà các hộ dân bỏ tiền đóng góp làm cũng bị các loại xe chở vật liệu vào đây làm hư hỏng. Mặt đường hiện bị nứt gãy đã khiến việc đi lại của người dân trong làng gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Chúng tôi đã nhiều lần điện báo cho Chủ tịch UBND xã Ninh Hải là ông Nguyễn Văn Hoạt phản ánh nhưng ông Hoạt cũng không thấy có động thái gì”- Một người dân cho biết.
Sai phạm trong vùng lõi di sản, trách nhiệm thuộc về ai?
Việc xử lý sai phạm lâu nay của tại một số địa phương trên địa bàn huyện Hoa Lư thường chỉ mang tính hình thức, thiếu kiên quyết. Các công trình vi phạm khủng ngang nhiên mọc lên, ngang nhiên tồn tại thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý trước các sai phạm. Xã Ninh Xuân, xã Ninh Thắng, xã Ninh Hải… sai phạm nối tiếp sai phạm trong vùng lõi di sản tại Ninh Bình, đáng phải báo động đặc biệt là nhiều công trình được xây dựng trên đất 313 (đất lúa).
Theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình” đến năm 2030, thì di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2014 này có diện tích 12.252ha thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.
Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) có diện tích là 6.226ha thuộc 12 xã của 5 huyện, thành phố trên, diện tích còn lại là vùng đệm. Tại huyện Hoa Lư có 6 xã nằm trong vùng lõi, trong đó có xã Ninh Hải. Theo Quyết định của Thủ tướng, vùng lõi di sản Tràng An được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), trong khu vực này sẽ không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú. Quy định thì thế nhưng Ninh Bình vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các hộ sai phạm lấn chiếm đất 313 để xây dựng.
Ngày 06/7/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII.
Quy định 69 thể hiện rõ nét tính chất răn đe mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng nhằm duy trì kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; những biểu hiện yếu kém trong lãnh đạo điều hành… Tính bao quát, toàn diện của quy định mới giúp tổ chức Đảng, đảng viên nhìn thấy rõ hậu quả, được mất của từng hành vi vi phạm với các mức chế tài tương ứng. Không có hành vi vi phạm kỷ luật nào mà không bị xử lý. Do đó, Quy định 69 chính là tấm gương để mỗi tổ chức Đảng, đảng viên tự soi, tự sửa và tự tránh.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình cần vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu để sự việc công trình khủng được xây dựng tại vùng lõi di sản Tràng An đã lâu giờ mới bị phát giác.
Nguồn: Báo xây dựng