Phấn đấu xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Xây dựng) – Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương trong cả nước, thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội. Bước sang năm 2022, Cần Thơ đầu tư xây dựng phát triển đô thị như thế nào để đến năm 2030 trở thành đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường.
Thành phố Cần Thơ – Đô thị hạt nhân của vùng. |
PV: Thưa Chủ tịch, năm qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương trên cả nước, riêng Cần Thơ đã bị ảnh hưởng hưởng như thế nào?
Chủ tịch Trần Việt Trường: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021 ước tính giảm 2,79% so với năm 2020. Trong mức giảm 2,79% của kinh tế thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,12%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 10,70%, khu vực dịch vụ tăng 0,79%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,16%. Về xã hội, dân số trung bình năm 2021 ước tính 1.246.993 người, tăng 0,50% so với năm trước; trong đó phân theo thành thị 876.923 người chiếm 70,32%, nông thôn 270.070 người chiếm 29,68% dân số. Lao động được giải quyết việc làm giảm 23,61%, số lao động tuyển mới và đào tạo nghề giảm 25,42% so cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 26/12/2021 thành phố đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 cho các nhóm chính sách với tổng kinh phí trên 902 tỷ đồng, đạt 90,05% so với số lượng được duyệt…
PV: Như vậy, năm 2022, Cần Thơ sẽ làm gì để phục hồi kinh tế – xã hội?
Chủ tịch Trần Việt Trường: Năm 2022, Cần Thơ xác định là năm tăng tốc ở tất cả các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội và phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng gấp đôi, thậm chí gấp ba năm 2021 thì mới có thể thực hiện đạt được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ năm 2020 – 2025 đã đặt ra cho lĩnh vực phát triển kinh tế và quốc phòng – an ninh của thành phố.
Cụ thể năm 2022, thành phố Cần Thơ phấn đấu đạt chỉ tiêu GRDP 7,5%/năm, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến tăng 10,17% so ước thực hiện năm 2021; đảm bảo các chỉ tiêu xã hội, quốc phòng – an ninh…
Theo đó, Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 thành phố Cần Thơ các nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước, UBND thành phố giao kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 6.792,370 tỷ đồng cho 30 đơn vị gồm 21 Sở, ban ngành thành phố và 9 quận, huyện triển khai thực hiện các dự án.
Trong đó có các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố như: Đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 (giai đoạn 2), đường tỉnh 921, đường tỉnh 923 có sử dụng vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo các nút giao thông quan trọng của thành phố, dự án xây dựng Trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và các dự án quan trọng khác của thành phố.
Vừa qua, thành phố Cần Thơ đã ban hành Danh mục gồm 23 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 (đợt 1). Các dự án này chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chỉ có vài dự án kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp nên các dự án này cũng chưa thật sự là đòn bẩy kích thích nền kinh tế – xã hội của thành phố. Để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, cần phải sớm thực hiện việc quy hoạch tích hợp và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị của thành phố. Trên cơ sở quy hoạch đó mới xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để kích thích làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Dự kiến thời gian tới Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh và bền vững. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ là tập trung vào các nhóm về quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Cần Thơ quản lý…
Chính phủ đề xuất thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và các nhiệm vụ chi khác.
Về quản lý đất đai, Chính phủ đề xuất cho phép HĐND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất thành lập Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Theo đó, trung tâm này là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản.
Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào trung tâm khi đáp ứng một số điều kiện…
Thành phố Cần Thơ kỳ vọng Nghị quyết này được Quốc hội thông qua sẽ mở ra những thuận lợi, cơ hội lớn cho thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư.
Phía Tây Nam thành phố Cần Thơ. |
PV: Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy xin Chủ tịch cho biết đôi nét về việc quy hoạch này?
Chủ tịch Trần Việt Trường: Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 59-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, thành phố Cần Thơ đã chọn thầu Liên danh tư vấn BCG (Mỹ) và Royal HaskoningDHV (Hà Lan) thực hiện quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. The Boston Consulting Group (Mỹ) và Royal HaskoningDHV (Hà Lan) là hai đơn vị trúng gói thầu số 2 về quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. The Boston Consulting Group là một trong ba công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới có trụ sở chính đặt tại Boston, Mỹ và văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đóng vai trò chính trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Royal HaskoningDHV là một trong ba tập đoàn tư vấn kỹ thuật hàng đầu tại Hà Lan với với kinh nghiệm 140 năm toàn cầu và hơn 35 năm kinh nghiệm tại Việt Nam. Trong dự án quy hoạch thành phố Cần Thơ, Royal HaskoningDHV sẽ chịu trách nhiệm đánh giá thực trạng và lập phương hướng phát triển kinh tế – xã hội cũng như việc phân bổ sử dụng đất, hệ thống đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở dữ liệu của quy hoạch thành phố.
Cơ sở để Cần Thơ triển khai quy hoạch thành phố, với tầm nhìn đến 2050 xuất phát từ điều kiện khí hậu, tài nguyên, kinh tế – xã hội xung quanh khu vực thành phố Cần Thơ đã có nhiều thay đổi. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại Đồng bằng sông Mê Kông nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Trước tình hình đó, các chương trình dự án quy hoạch tại Cần Thơ vẫn đang được triển khai theo hướng ứng phó, thiếu các tính toán đến tác động tổng thể, đôi khi còn mâu thuẫn, chồng chéo. Vì vậy, Cần Thơ cần có một bản quy hoạch thành phố trong tương lai để giải quyết các vấn đề hiện hành và chuẩn bị cho chiến lược phát triển dài hạn. Đó là phát triển thuận thiên, xem nước là tài nguyên chính, phát triển thủy sản, cây ăn trái và lúa. Cần Thơ là một đô thị, không nên phân làm đô thị và nông thôn; đô thị trung tâm vùng phải có những vùng và cấu trúc đặc biệt về cả quy mô và chất lượng cấp vùng; đô thị đối trọng với Thành phố Hồ Chí Minh; là đô thị sinh thái, bản sắc sông nước; đô thị văn minh, hiện đại. Phát triển không gian phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế là cải thiện mức hiện trạng, là đô thị đáng sống và trung tâm vùng ĐBSCL; các lĩnh vực kinh tế chủ đạo gồm: kinh tế nông nghiệp, năng lượng, logistics, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính…
Một góc đô thị Cần Thơ. |
Ngoài các chủ trương, chính sách lớn giai đoạn 2021-2030 có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của Cần Thơ, cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và chính sách đầu tư tại địa phương. Do vậy, Cần Thơ đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một quy hoạch mới.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Cần Thơ mới đạt trên 70%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 76%, đến 2030 đạt khoảng 80%. Để đạt được mục tiêu này cũng cần phải tích hợp vấn đề này vào quy hoạch, gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch tích hợp phải làm sao đi vào cuộc sống, vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa phát triển đô thị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng