Biến đổi khí hậu khiến sông Nile chết mòn
Biến đổi khí hậu khiến sông Nile chết mòn
Biến đổi khí hậu và khai thác thủy điện quá mức đang đe dọa Nile, con sông dài thứ hai thế giới, nơi cung cấp sinh kế cho nửa tỷ người. Dọc chiều dài 6.500 km sông Nile, hàng loạt tín hiệu đáng báo động đang xuất hiện
Nile, con sông dài thứ hai thế giới sau sông Amazon ở Nam Mỹ, không còn là dòng sông huyền thoại vĩnh hằng nữa. Trong nửa thế kỷ, lưu lượng dòng chảy của sông đã giảm từ 3.000 m3/s xuống 2.830 m3/s. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Theo dự đoán xấu nhất của Liên Hợp Quốc, với tình trạng hạn hán ở miền đông châu Phi, dòng chảy sông Nile có thể giảm 70%.
60 năm qua, cứ mỗi năm nước biển Địa Trung Hải lại lấn dần vào đồng bằng sông Nile từ 35 tới 75 m. Nếu mực nước biển dâng lên chỉ một mét, một phần ba khu vực màu mỡ này có thể biến mất và buộc 9 triệu người phải rời bỏ quê hương.
Nơi từng là vựa lúa của lục địa trở thành nơi dễ bị tổn thương thứ ba trên hành tinh do biến đổi khí hậu. Hồ Victoria, nguồn trữ nước lớn nhất cho sông Nile khi trời mưa, đối mặt nguy cơ khô cạn do hạn hán.
Trước tình hình này, chính phủ nhiều nước tìm cách xây đập để trữ nước cho sông Nile, nhưng các chuyên gia cảnh báo hành động này càng đẩy nhanh thảm họa.
Tại cửa sông Nile, hai mũi đất Damietta và Rosetta từng nhô ra Địa Trung Hải ở phía bắc Ai Cập đang mất dần. Bờ kè bằng bê tông được xây để bảo vệ các doi đất này giờ đã ngập một nửa trong nước biển.
Từ năm 1968 tới 2009, biển đã lấn sâu 3 km vào Đồng bằng sông Nile, khi dòng chảy yếu của sông Nile không thể chống lại nước biển xâm thực, trong khi mực nước Địa Trung Hải đã tăng 15 cm trong thế kỷ 20 do biến đổi khí hậu. Trong hàng nghìn năm, phù sa sông Nile tạo thành một rào chắn ở cửa sông, bảo vệ đất liền. Nhưng kể từ khi đập Aswan được Ai Cập xây năm 1960 để điều tiết lũ sông Nile, phù sa đã không thể ra được tới cửa biển.
Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc UNEP cảnh báo nếu nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, Địa Trung Hải sẽ xâm lấn Đồng bằng sông Nile mỗi năm 100 mét.
Trong 40 năm, Mohammed và hàng xóm phải sử dụng máy bơm chạy bằng
Theo UNEP, Địa Trung Hải có thể nuốt chửng 100.000 hecta đất nông nghiệp trong vùng, tương đương diện tích gần 10 thành phố Paris. Đây sẽ là thảm họa với Ai Cập, nơi đồng bằng sông Nile là nguồn cung cấp 30-40% sản lượng nông nghiệp quốc gia.
97% trong tổng số 104 triệu dân của Ai Cập sống dọc sông Nile. Tại nước láng giềng Sudan, một nửa trong số 45 triệu dân cũng sinh sống dọc bờ sông. Tới năm 2050, dân số của hai nước dự kiến tăng gấp đôi, còn nhiệt độ sẽ tăng 2-3 độ C.
IPCC, nhóm chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc, cho hay tác động của biến đổi khí hậu đến sông Nile sẽ vô cùng thảm khốc. Họ dự đoán con sông sẽ mất 70% dòng chảy vào cuối thế kỷ, với nguồn nước cung cấp cho người dân sống dọc sông giảm mạnh xuống còn 1/3 so với hiện nay.
Khí hậu nóng lên cũng làm tăng lũ lụt, bão lớn tấn công Đông Phi, nhưng chỉ bù đắp được 15-20% lượng nước mất đi, nghĩa là các quốc gia phụ thuộc vào sông Nile để trồng trọt và làm thủy điện sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong khi đó, hơn một nửa nguồn điện của Sudan là từ thủy điện, còn 80% sản lượng điện của Uganda được tạo ra từ sông Nile.
Ai Cập ký thỏa thuận với Sudan năm 1959, chia 66% dòng chảy hàng năm của sông Nile cho Ai Cập, còn 22% cho Khartoum. Các quan chức Ai Cập dưới thời cựu tổng thống Mohamed Morsi năm 2013 từng nêu ý tưởng đánh bom đập Đại Phục Hưng để “bảo vệ lợi ích sống còn” cho nước này.
Hải Sơn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị