Tân Yên (Bắc Giang) đổi mới, hội nhập và phát triển

Sau 65 năm thành lập, huyện Tân Yên ngày nay đổi mới trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Năm 2020 huyện đã đạt đích nông thôn mới, từ đó thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và nâng cao mức sống cho người dân. Cuối năm 1957 huyện Tân Yên được thành lập sau khi chia tách từ huyện Yên Thế. Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sau ngày đất nước hòa bình, độc lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Yên đã bền gan, vững chí, không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương. Lớp cán bộ và Nhân dân Tân Yên công tác những năm 1980 – 1990 hẳn còn nhớ, Tân Yên vốn là một vùng quê nghèo, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn và những con đường đất đỏ lầy lội vào mùa mưa vẫn còn ám ảnh đây đó. Thế nhưng chỉ sau mấy chục năm đổi mới và nỗ lực vươn lên, Tân Yên bừng lên sức sống mới. Vùng đất này đang đổi thay từng ngày. Từ trung tâm huyện đến 22 xã, thị trấn những gia trại trang trại, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều. Giữa màu xanh ngút ngàn của vườn cây ăn quả, của lúa khoai là những khu đô thị đang được mở mang, khu cụm công nghiệp chạy dọc theo những cung đường trải nhựa, bê tông. Tất cả hiện hữu cho một hướng đi đầy mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây về triển vọng phát triển toàn diện đưa vùng đất này trở thành một miền quê đáng sống. Điều này thể hiện rõ nhất trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành vượt mức các mục tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.

Nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu về giá trị, chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất bình quân đầu người… đều đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân là 12,1%. Mục tiêu giai đoạn từ 12 – 14%; trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,1% (mục tiêu Đại hội 6 – 7%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 18,6% (mục tiêu Đại hội 17 – 19%); dịch vụ tăng 8,8% (mục tiêu Đại hội 16 – 18%).. Giá trị sản xuất bình quân đầu người 82,7 triệu đồng. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp – dịch vụ; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,6% (giảm 9,7% so với năm 2015); ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 44,4% (tăng 8,1% so với năm 2015); ngành dịch vụ chiếm 25% (tăng 1,6% so với năm 2015). Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực đầu tư xây dựng tăng trưởng ở mức cao, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng gấp 1,87 lần so với năm 2015 (năm 2015 đạt 1.122 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 13,4%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 4.557 tỷ đồng (tăng 1,47 lần so với năm 2015 và đạt 88,5% so với kế hoạch), giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác đạt 153 triệu đồng (tăng 44 triệu đồng so với năm 2015, tăng 03 triệu đồng/ha so với kế hoạch).

1
Lễ công bố Quyết định công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm, thực hiện; huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, với số tiền 2.342 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 915 tỷ đồng; tuyên truyền vận động 6.173 hộ hiến đất, tài sản trên đất xây dựng các công trình nông thôn mới với diện tích 148.000 m2 (trong đó: Đất ở 6.432 m2, đất nông nghiệp 141.568 m2), 1.125 m tường rào; Nhân dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công tham gia xây dựng các công trình; với kết quả đó, Tân Yên là một trong 3 huyện về đích nông thôn mới sớm nhất của tỉnh.

Ngành giáo dục được quan tâm nâng cao chất lượng toàn diện theo hướng bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, năm 2020 tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 98,5% (tăng 8,5% so với năm 2015), đến nay có 73/75 trường công lập chuẩn Quốc gia, đạt 97,3% (vượt kế hoạch 2,3%). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn được quan chỉ đạo. Chế độ, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, kịp thời. Công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được quan tâm. Quốc phòng – an ninh được tăng cường, giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Giai đoạn tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển, những đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Định hướng chung của tỉnh xác định công nghiệp là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong nhiệm kỳ tới; cùng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân trong huyện sẽ là động lực cho phát triển. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra phương hướng đổi mới mạnh mẽ mô hình phát triển kinh tế của huyện theo hướng phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; chú trọng hoàn thiện công tác quy hoạch vùng; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025 Tân Yên có nhiều thuận lợi. Trong phương hướng, mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII đã đề ra, Tân Yên xác định kết nối giao thông là tiền đề quan trọng để huyện Tân Yên bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Giao thông là “mạch máu” của sự phát triển và cũng là mong mỏi của chính quyền và Nhân dân Tân Yên.

Năm 2021, ngoài lợi thế được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường chạy qua địa bàn huyện: đường nối từ QL17 – QL37 đi Võ Nhai (Thái Nguyên), tỉnh Bắc Giang; đường nối từ QL.37 – QL.17 – ĐT.292 (đoạn Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang), tỉnh Bắc Giang; nâng cấp, mở rộng ĐT 298 (đoạn Đình Nẻo đi Việt Yên); nâng cấp, mở rộng ĐT.294 (từ Tân Sỏi, Yên Thế đi Phúc Sơn- Tân Yên); nâng cấp, mở rộng QL 17 đoạn từ thị trấn Nhã Nam đi Phồn Xương, Yên Thế – Huyện cũng đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông đối nội, kết nối các vùng kinh tế trong huyện, như: Hoàn thành đường nối QL17 đi TL 298; triển khai thực hiện các dự án đường từ QL17 (đoạn gần TT Nhã Nam) đi xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên; Đường từ TL 295 (cồng Mọc) đi TL 298 (cống Mắm); đường từ QL 17 đi thôn Phú Khê, xã Quế Nham; Đường Song Vân đi Ngọc Thiện (đoạn ĐT.295 – cây xăng Song Vân đi thôn Ải, xã Ngọc Thiện), huyện Tân Yên…. cùng với đường vành đai IV thủ đô, QL37, các vùng kinh tế của Tân Yên sẽ được khai phá, hội nhập và đi lên. Huyện ủy, UBND huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát toàn bộ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để triển khai xây dựng phương án phát triển huyện, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tạo hướng mở các tuyến giao thông kết nối vào các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch của huyện với các trung tâm kinh tế của tỉnh và không gian phát triển công nghiệp, đô thị.

Bên cạnh đó, những năm gần đây huyện Tân Yên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 cụm công nghiệp (CCN) đang đầu tư hạ tầng kinh doanh cụm công nghiệp (CCN Đồng Đình, CCN Lăng Cao), thu hút trên 8.500 lao động; huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đã được quy hoạch.

Ngoài ra, Tân Yên cũng đẩy mạnh phát triển các khu đô thị và khu dân cư nông thôn mở rộng không gian phát triển đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và nhiều tiện ích sống, trong đó nhiều khu tạo điểm nhấn đô thị, sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí và không gian như: Khu đô thị phía Đông thị trấn Cao Thượng: 68 ha; Khu đô thị phía Nam thị trấn Cao Thượng: 34 ha, Khu đô thị phía Tây Nam Thị trấn Cao Thượng: 46 ha, Khu đô thị nhà vườn sinh thái ven sông (ở 03 xã: Việt Lập-Liên Chung và Quế Nham): 220 ha, Khu dân cư Cầu Vồng thị trấn Cao Thượng: 4,3 ha; Khu đô thị Chuôm Nho, thị trấn Nhã Nam: 11,5 ha; Huyện còn chú trọng phát triển các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf, trong đó đã quy hoạch một số dự án như: Khu sinh thái tâm linh và sân golf núi Dành (xã Liên Chung, Việt Lập); Đền thờ Lương Văn Nắm (xã Tân Trung); Khu sinh thái núi Đót (xã Phúc Sơn);… Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kết nối, mang tính đột phá; Huyện Tân Yên cũng xác định phát triển phải mang tầm dài hạn, đề cao tính bền vững, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, bám sát định hướng phát triển của tỉnh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xác định nhiệm vụ GPMB là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Cụm CN, khu đô thị, dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chủ trương chung của huyện là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại để người dân hiểu và đồng thuận. Đối với với những trường hợp cố tình chống đối, mặc dù đã được các ngành chức năng giải thích, vận động nhiều lần, UBND huyện sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật để bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm thực hiện, kết quả đã giải phóng mặt bằng được gần trên 500 ha đất, đạt 150% kế hoạch đề ra, một số dự án lớn của tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng như: Dự án cải tạo nâng cấp QL17 đoạn từ Km72+500 – Km88 đi qua 5 xã, thị trấn: Xã Việt Lập, Xã Cao Xá, thị trấn Cao Thượng, thị trấn Nhã Nam; Dự án đường nối từ QL37 – QL17 – TL292 (đoạn Việt Yên – Tân Yên – Lạng Giang) đoạn đi qua địa bàn huyện Tân Yên dài 9,8 km, diện tích phải giải phóng mặt bằng khoảng 27 ha đi qua 4 xã: Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Việt Lập, Liên Chung; Dự án cải tạo, nâng cấp TL 298: Chiều dài qua huyện Tân Yên 8,5 km, diện tích phải giải phóng mặt bằng là khoảng 5 ha tại 4 xã: Ngọc Lý, Cao Xá, TT Cao Thượng, Liên Sơn; Dự án cải tạo nâng cấp QL17 đoạn từ thị trấn Nhã Nam đi Phồn Xương, Yên Thế; Dự án tu bổ chống sạt lở đê cấp 3 trên địa bàn huyện… giải phóng mặt bằng xong trên 90% các Khu đô thị: Khu đô thị An Huy thị trấn Cao Thượng (quy mô 57 ha); Khu đô thị OM7 (quy mô 8 ha), Khu đô thị Chuôm nho thị trấn Nhã Nam ( quy mô 11 ha); Khu đô thị Đồng Chủ Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng (quy mô 11 ha), Cụm công nghiệp Đồng Đình thị trấn Cao Thượng (quy mô 66 ha)….

2
Phối cảnh quy hoạch Khu đô thị An Huy (thị trấn Cao Thượng).

Ngoài việc quan tâm tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Trong những năm qua, xác định được lợi thế của Tân Yên trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã thực hiện quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa bàn; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Trong giai đoạn 2020 – 2025, Tân Yên đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tân Yên là bức tranh sáng màu đã hình thành và duy trì sản xuất 24 cánh đồng mẫu lớn; 78 vùng sản xuất tập trung; có trên 400 trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP được công nhận, với hơn 10% sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết; diện tích cây ăn quả của huyện trên 3.525 ha (sản xuất tập trung theo hướng VietGAP 1.500 ha), với các loại chủ lực như: thương hiệu “Vải sớm Tân Yên” xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; bưởi, nhãn muộn, vú sữa, ổi… cho thu nhập từ 100 – 500 triệu đồng/ha/năm,…

Huyện đang tập trung, quan tâm ưu tiên nguồn lực, có cơ chế chính sách xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao như: hỗ trợ thí điểm theo đặc thù của từng dự án về nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa trang An Lạc Viên (đã quy hoạch khoảng 40 ha ở xã Liên Sơn); đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại xã Hợp Đức, bến cảng tại thôn Bến, xã Quế Nham….Tân Yên chủ động xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú ý phát triển chuỗi liên kết trong tiêu thụ chế biến nông sản; chú trọng xây dựng sản phẩm thế mạnh, mang đặc trưng của địa phương. Mặt khác, huyện xây dựng các vùng nguyên liệu trọng điểm để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thu nhập cao và tiến tới nông nghiệp hiệu quả cao. Xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới mục tiêu phải thực chất, thực sự là vùng quê đáng sống. Để thực hiện được, huyện xác định phải phát huy lợi thế, học tập kinh nghiệm các địa phương khác, không ngừng đổi mới tư duy dám nghĩ, dám làm, thể hiện khát vọng vươn lên; khát vọng này phải được truyền đạt tới tất cả người dân của huyện để tạo sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của người dân vì sự phát triển chung.

Công tác quy hoạch cán bộ được quan tâm chỉ đạo theo hướng chủ động, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đảm bảo cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu trẻ; tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, chất lượng, kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ không có năng lực, gây sách nhiễu, phiền hà cho Nhân dân. Tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ cả về văn hóa, xã hội tạo sự phát triển bền vững. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo. Quan tâm chỉnh đốn Đảng cả về tư tưởng, tổ chức; cán bộ phải là then chốt của then chốt. Rà soát, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; kịp thời phát hiện cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng.

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Yên đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 để đón chào sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện. Sẽ có thêm những thành tựu mới về hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và lĩnh vực văn hóa xã hội. Tân Yên trong tương lai gần sẽ sầm uất, hiện đại và hội nhập mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đang quyết tâm xây dựng Tân Yên là một trong những huyện của tỉnh Bắc Giang có những bứt phá về kinh tế, xã hội là “điểm đến” tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích