Thủ tục và thời hạn thuê đất nuôi tôm
(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Trần Khánh An (Nam Định) hỏi: Vợ chồng tôi đang muốn thuê đất để nuôi tôm. Tuy nhiên, thuê lại của người dân thì rất khó thuê diện tích lớn. Xin hỏi, vợ chồng tôi có thể thuê đất của chính quyền hay không? Nếu thuê thì phải làm những thủ tục gì và chúng tôi được thuê bao nhiêu lâu.
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:
Trường hợp nào được thuê đất nuôi trồng thủy sản
Theo Điều 52 Luật Đất đai 2013, Nhà nước căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và nhu cầu sử dụng đất trong đơn xin giao đất, thuê đất để giao đất/cho thuê đất.
Theo đó, nhà nước cho thuê đất dưới các hình thức thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật này; Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh…
Như vậy, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản có thể được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Ngoài ra, các đối tượng sau cũng được Nhà nước cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản: Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện nuôi trồng thủy sản; Đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm).
Thủ tục thuê đất nuôi trồng thủy sản cụ thể thế nào
Hồ sơ, thủ tục thuê đất nuôi trồng thủy sản cụ thể như sau: Đơn xin giao đất, cho thuê đất theo mẫu; Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.
Theo đó, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất.
Trình tự, thủ tục thực hiện: Đầu tiên, gia đình bạn phải nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ trao giấy hẹn trả kết quả cho người xin giao đất.
Sau đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ cho Phòng tài nguyên và môi trường lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, gồm các loại giấy tờ: Đơn xin giao đất, cho thuê đất; Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.
Căn cứ vào hồ sơ đã nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Xin lưu ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai 2013, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Trường hợp hết thời hạn thuê mà người sử dụng đất tiếp tục trực tiếp khai thác, sử dụng và canh tác đất nông nghiệp mà còn có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì tiếp tục được phép gia hạn nhưng không quá 50 năm.
Tuy nhiên, đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.