Tân Yên (Bắc Giang) – 65 năm một chặng đường phát triển

1
Ông Đinh Đức Cảnh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện.

Theo nguồn sử cũ thì nước Văn Lang thời Hùng Vương chia làm 15 bộ, miền đất Tân Yên khi đó nằm trong Bộ Vũ Ninh, là miền đất có lịch sử lâu đời và phát triển liên tục, là địa bàn cư trú, làm ăn của người Việt cổ với những cổ vật ghi nhận dấu hiệu sinh tồn của con người thuộc sơ kỳ kim khí (thời kỳ đồ đồng với kỹ thuật chế tác đá và đạt tới đỉnh cao là cưa, mài tinh xảo, kết hợp với ghè, đập) và những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội dân gian, phong tục, trò chơi được Nhân dân lưu giữ và truyền lại nhiều đời.

Từ thế kỷ I đến cuối thế kỷ X khi đất nước đã tự chủ, dưới triều nhà Đinh, Tiền Lê vẫn giữ nguyên sự phân chia cương vực như dưới thời Đường. Đến thời nhà Lý (1009 – 1225), vùng đất Tân Yên – Yên Thế ngày nay chưa phải là một đơn vị hành chính riêng mà nằm trong đất Lạng Châu. Đến thời Trần (1225 – 1400), miền đất này có tên là Yên Viễn thuộc Như Nguyệt Giang lộ. Khi nhà Minh thống trị, lại đổi tên thành Thanh Yên, thuộc châu Lạng Giang. Thời Quang Thuận nhà Lê (1460 – 1469), Thanh Yên được gọi là Yên Thế, nằm trong phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn (triều Minh Mệnh 13 năm 1831) tiến hành cải cách hành chính cả nước, Yên Thế vẫn được giữ nguyên tên gọi và là một huyện thuộc phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (gồm 8 tổng 42 xã).

Ngày 06 tháng 11 năm 1957, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 532/TTg chia huyện Yên Thế thành huyện Tân Yên và Yên Thế. Huyện Tân Yên là bộ phận chủ yếu của huyện Yên Thế với phần đất và dân số của 7 tổng (trừ tổng Yên Thế). Lịch sử Tân Yên – Yên Thế xưa luôn gắn với sự vận động cùng lịch sử Bắc Giang, Kinh Bắc. Trong suốt quá trình thay đổi đơn vị hành chính thì hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh rồi Hà Bắc mà cơ bản đất đai thuộc trấn Kinh Bắc xưa hay còn gọi là xứ Bắc; thời gian sau khi chia tách, cái tên “Yên Thế hạ”, “Yên Thế thượng” được Nhân dân hai huyện và các huyện bạn trong tỉnh rất hay dùng, nó gợi lên tình cảm anh em một nhà, tuy hai nhưng đều có chung một mạch truyền thống của Yên Thế xưa oai hùng đã ghi vào lịch sử và trong những áng thơ, văn bất hủ.

Huyện Tân Yên ngày nay nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, có tọa độ không gian từ 1060 – 106011’ kinh tuyến Đông; 21011’- 21023’ vĩ độ Bắc. Phía Bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Yên Thế; phía Đông giáp huyện Lạng Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa; phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Tân Yên có diện tích tự nhiên là 208,34 km2, dân số hiện nay khoảng 180.000 người, sinh sống ở 317 thôn, tổ dân phố thuộc 22 xã, thị trấn. Đảng bộ huyện hiện có 36 chi, đảng bộ trực thuộc với hơn 8.900 đảng viên.

Với Bắc Giang, Tân Yên là một huyện trẻ nhưng nằm trên vùng đất cổ kính với bề dày hằng ngàn năm lịch sử, chứng tích còn lưu lại những huyền tích lịch sử về Nàng Giã Đại thần; lịch sử Tân Yên đồng thời cũng là lịch sử đấu tranh bền bỉ, dũng cảm chống các thế lực đen tối trong xã hội và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương và cuộc sống của mình (hào khí Trai Cầu Vồng đã được biết tới trong thời kỳ này); với truyền thống lịch sử, những phẩm chất và tính cách được xác lập, người dân vùng đất này ghi danh vào lịch sử cận đại với Cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913) bằng tinh thần quật khởi vô song và tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, diệu kỳ; và từ khi có Ðảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp ấy được nhân lên gấp bội, đỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945, thành lập chính quyền cách mạng và đây là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, miền quê Tân Yên đã làm rất tốt công tác hậu phương quân đội với những phong trào: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; phong trào Hội mẹ Chiến sĩ; Cô Tấm vào hội; nhà bia liệt sỹ… bên cạnh đó, Tân Yên cũng là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của Trung ương và tỉnh về sơ tán.

Kinh qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng chục nghìn con em Tân Yên đã lên đường chiến đấu, trong đó có trên 2.800 liệt sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường, tô đỏ thêm truyền thống của vùng đất Cầu Vồng lịch sử. Nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 28 Huân chương kháng chiến; 19 Huân chương chiến công; 01 Huân chương quân công hạng Nhất; phong tặng và truy tặng 206 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 7 Anh hùng lực lượng vũ trang, 01 Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 10.451 cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại. Ngày 11/6/1999, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã Quyết định tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” cho Nhân dân và các lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Tân Yên thời kỳ chống Mỹ; xã Lam Cốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Pháp; 4 xã (Ngọc Thiện, Đại Hóa, Cao Thượng và Việt Ngọc) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Đây là một vinh dự lớn đối với Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện, làm rạng rỡ cho truyền thống quê hương Tân Yên.

Đất nước hòa bình thống nhất, phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðảng bộ và Nhân dân Tân Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm và vẫn giữ đà tăng trưởng của mình trong những năm tiếp theo. Liên tục từ năm 2017 đến 2021, Tân Yên luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các cấp biểu dương khen thưởng; đặc biệt ngày 29/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 904/QĐ-TTg công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện thứ ba của tỉnh Bắc Giang đạt đích này.

Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện Tân Yên thay đổi rõ nét, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đã vận động được sức mạnh tập thể của cả hệ thống chính trị, huy động được sức người, sức của và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người (cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh). Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển. Quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Với những thành tích của cán bộ và Nhân dân huyện trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước, Tân Yên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 13 Huân chương lao động các loại; 01 lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; 38 cờ thưởng; trên 200 Bằng khen của Chính phủ và của tỉnh. Năm 2017, Nhân dân và cán bộ huyện Tân Yên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2020 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng cao quý động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên tiếp tục vươn lên, phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, tuy đã nỗ lực cố gắng vượt lên chính mình, nhưng đánh giá một cách khách quan, Tân Yên vẫn là một huyện thuần nông, lấy lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố chủ yếu để phát triển kinh tế – xã hội. Vị trí địa lý kinh tế cũng không có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; việc thu hút đầu tư vào địa bàn gặp không ít khó khăn và đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, tụt hậu xa so với các huyện, thành phố… Những điểm nghẽn lớn như: hệ thống giao thông chất lượng thấp, chưa có tính kết nối vùng… đã ảnh hưởng rất lớn đến thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tiềm năng khác; bên cạnh đó, khu, cụm công nghiệp chưa sẵn sàng để thu hút đầu tư; cùng với đó là tư duy trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của cấp ủy, chính quyền còn có mặt hạn chế, còn dè dặt, tự ti, chưa mạnh dạn, chưa thể hiện rõ khát vọng vươn lên. Đây là những hạn chế, là điểm yếu của huyện mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII đã thẳng thắn nhìn nhận và quyết tâm khắc phục trong nhiệm kỳ mới và các giai đoạn tiếp theo.

2
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 -2025.

Để thể hiện rõ khát vọng vươn lên, với ý chí tự lực tự cường, cùng với hệ tư tưởng đã được hình thành và ấp ủ từ các giai đoạn trước, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tân Yên đã bước vào một giai đoạn mới với khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Đầu tiên đó là chú trọng và ưu tiên đầu tư cho công tác quy hoạch (khi lập quy hoạch đã đề cao tính đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, làm rõ khu vực, không gian, lĩnh vực phát triển với tính khả thi cao, tích hợp với quy hoạch chung của toàn tỉnh); trong quy hoạch đưa ra những dự báo và định hướng chiến lược nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của huyện.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh với 05 khu và 08 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 1.300ha, tập trung chủ yếu vào các xã phía Tây của huyện; đây là tiền đề quan trọng, tạo động lực để Tân Yên khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và lâm nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Tân Yên rất quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; tập trung chỉ đạo xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tập trung thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, Quốc lộ 17 đoạn qua địa bàn huyện đã được Nhân dân hiến đất, hiến tài sản trên đất để cải tạo, nâng cấp; các tuyến đường tỉnh 294, 295, 297, 298 cũng đã và đang được cải tạo, nâng cấp; huyện được đầu tư mở mới tuyến đường 398B, 294B, nâng cấp tuyến đường 294C và quan trọng là tuyến đường Vành đai 5 Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2023. Đến nay, Tân Yên đã định hướng phát triển và đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng, liên thông các tuyến giao thông trọng điểm như: đường từ Phúc Hòa đi Liên Chung kết nối ĐT398B và Vành đai 5; đường từ Ngọc Châu đi Ngọc Lý kết nối ĐT294B và ĐT298; đường nối QL17- Vành đai 5 – ĐT294B và kết thúc tại ĐT294 (Đồng Điểm, Phúc Sơn); đường nối từ QL17 (Liên Sơn) đi ĐT294 và kết nối QL17 (Tân Trung); đường từ Ngọc Vân đi Việt Ngọc kết nối ĐT295 và ĐT297; tuyến kết nối Tân Yên với thành phố Bắc Giang tại Đa Mai đã được đồng bộ với quy hoạch chung của thành phố Bắc Giang.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư các tuyến giao thông kết nối để tăng cường tính liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển và phát huy hết lợi thế của các vùng đất trên địa bàn huyện; cùng với đó là cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết nối về điện, cấp nước và thủy lợi, hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đồng thời tích cực chỉ đạo làm tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở để giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Chỉ đạo làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo triển khai các dự án đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, chỉnh trang trường, lớp học, xây dựng mới, hoàn thiện cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chuẩn để tạo bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Dành nguồn lực thích đáng xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực y tế bằng việc nâng cấp xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho các Trạm Y tế xã và đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ sở; với 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị được tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều chuyển biến tích cực.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội theo hướng “gần dân, sát dân”; thực hiện tốt công tác giám sát phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; kịp thời giải quyết những phản ánh kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động; tập hợp quần chúng vào tổ chức và xây dựng nòng cốt; phối hợp thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội.

3
Đồng chí Dương Văn Thái – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên năm 2021.

Từ năm 2020 đến nay, Tân Yên có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đã phát huy được vai trò của “người đi sau” với những bước đi bài bản, chậm nhưng vững chắc, rút kinh nghiệm và tránh được những hạn chế của “người đi trước”; đã chuyển được sự “tự ti” sang “tự tin” trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đã khơi dậy được trách nhiệm và khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn huyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền liêm chính, hành động gắn với kiện toàn, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó tạo ra và lan tỏa được một sức sống mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới với một khát vọng vươn lên mạnh mẽ với ý chí tự lực tự cường.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tân Yên đặt ra 15 mục tiêu cơ bản, trong đó phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm từ 11 – 13%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – xây dựng 45 – 47%; dịch vụ 28 – 30%; nông, lâm, thủy sản 25 – 27%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 7 – 10%/năm. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt trên 170 triệu đồng. Thu nhập bình quân người trên năm đạt trên 82 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85% số đảng viên đánh giá, xếp loại; kết nạp từ 190 đảng viên trở lên. Hằng năm phấn đấu 4-5 đảng bộ xã, thị trấn, 8-9 cơ quan, đơn vị được công nhận đảng bộ, cơ quan, đơn vị “Dân vận khéo”. Hằng năm có trên 80% cơ sở mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định nhiệm kỳ 2020- 2025 là nhiệm kỳ tạo tiền đề, tạo đà nhảy vọt và sự bức phá trong các giai đoạn tiếp theo, trọng tâm là “đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đô thị; tập trung cao giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án”; tập trung phát triển cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; trong đó: công nghiệp sẽ là động lực chính để tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc, tạo tiền đề cho bình ổn và phát triển; dịch vụ là yếu tố thúc đẩy phát triển; các mục tiêu, nhiệm vụ đó được cụ thể hóa bằng chủ đề Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; xây dựng huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tầng lớp Nhân dân trong huyện đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa. Tập trung phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Thương mại dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp”; kêu gọi đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nhưng kiên quyết không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng Tân Yên thành một “Vùng quê đáng sống”.

Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải ý thức được trách nhiệm của mình, phải trăn trở trước sự phát triển của quê hương, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động; bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; chủ động, sáng tạo tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình, trọng tâm là: hiểu rõ xu hướng vận động trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang và những chiến lược, định hướng xuyên suốt đối với phát triển kinh tế – xã hội trong cả nhiệm kỳ của huyện Tân Yên. Phải hiểu, nắm chắc những định hướng chỉ đạo của Huyện ủy đối với lĩnh vực của đơn vị, của bản thân mình phụ trách, xác định rõ đây là kim chỉ nam trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; thống nhất nhận thức và hành động, xác định rõ trách nhiệm của chúng ta là phải chuyển hóa bằng được thời cơ, cơ hội này thành hiện thực. Mọi rào cản, vướng mắc, nút thắt đều phải được xử lý, tháo gỡ kịp thời, kiên quyết không để cản trở, kìm hãm sự phát triển. Xác định rõ chúng ta là người đi sau, do đó phải nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ mới, theo kịp xu thế chung, thậm chí phải đi nhanh, đi trước các địa phương khác để tạo lợi thế so sánh, thu hút nguồn lực phát triển địa phương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có tầm nhìn xa hơn, dài hạn hơn; xác định các mục tiêu, định hướng phát triển hoặc quy hoạch, đầu tư xây dựng một công trình, dự án phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm cho sự phát triển cả trước mắt và lâu dài của Tân Yên trong những năm tới.

Nhìn lại 65 năm xây dựng và phát triển, Nhân dân và cán bộ huyện Tân Yên có quyền tự hào với những thành tựu đã đạt được, cùng những ghi nhận và phần thưởng mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Những thành tựu đạt được không chỉ là tiền đề để Tân Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội với những khát vọng mới mà còn hướng đến giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng huyện Tân Yên văn minh, hiện đại, góp phần bồi đắp, hình thành những chuẩn mực văn hóa mới, làm đẹp hơn, sáng thêm lên cốt cách tâm hồn con người của vùng đất Cầu Vồng lịch sử, đưa Tân Yên trở thành một huyện hưng thịnh, phát triển vững mạnh, là điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội.

Huyện Tân Yên (Bắc Giang) phấn đấu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững

Huyện Tân Yên 65 năm xây dựng và trưởng thành

Xây dựng huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích