Giá thép giảm sâu khó tin, nhưng vẫn chưa phải đáy
Nhiều yếu tố đè nặng lên giá thép
Từ tháng 4 đến tháng 8/2022, giá thép giảm liên tiếp 15 lần với mức giá từ gần 20 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn khoảng 14 triệu đồng/tấn. Cuối tháng 9, giá thép tăng trở lại sau nhiều lần hạ giá lên mức 15 – 16,5 triệu đồng/tấn.
Bước sang tháng 10, giá thép xây dựng trong nước lại giảm 3 lần liên tiếp đưa về mức khoảng 14 – 15 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research nhận định giá thép trong nước có thể chưa chạm đáy, nhưng tốc độ giảm giá có thể chậm lại do nhiều yếu tố chi phối.
SSI Research cho rằng, việc Chính phủ Trung Quốc đang triển khai các biện pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng được kỳ vọng giúp giá thép trong khu vực ổn định hơn. Mặc khác, tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu dẫn đến sản lượng sản xuất mặt hàng này giảm.
Đánh giá về triển vọng của ngành thép, SSI Research cho rằng nhu cầu chậm lại là mối lo ngại chính khiến giá thép có tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Cụ thể, nhu cầu về mặt hàng thép trên toàn cầu vẫn yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới giảm 6,6% trong 8 tháng đầu năm 2022 do thị trường bất động sản lao dốc trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid-19.
Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) nhận định nhu cầu thép toàn cầu dự kiến chỉ phục hồi 1% vào năm 2023, sau khi giảm khoảng 2,3% vào năm 2022. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên giá thép trong khu vực.
Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra tương tự vì chịu áp lực giảm giá theo giá thị trường thế giới. Nhu cầu thép trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc do thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng từ ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu.
Mặc dù hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn FDI sẽ được tăng tốc trong giai đoạn năm 2022-2023, tuy nhiên SSI Research cho rằng nhu cầu thép trong nước vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm vào năm 2023.
Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động bị đình trệ khi giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao…cũng dẫn đến nhu cầu thép giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu và giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.
Hiện giá thép xây dựng trung bình trong quý III/2022 ước tính đã giảm 13% so với quý trước và giảm 6% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng cũng đã giảm khoảng 30% so với mức giá đầu năm.
Có thể thấy, mức giá thép hiện nay đã tương đương giai đoạn cuối năm 2020 – thời điểm triển vọng thị trường thép ghi nhận nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho
Lượng tồn kho “khổng lồ” với giá cao rõ ràng đã gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý vừa qua.
Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/9 ước tính giảm 25.000 tỷ so với quý II trước đó, xuống còn khoảng 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Động thái đồng loạt xả kho trong quý vừa qua phần nào đã làm vơi bớt áp lực từ lượng tồn kho khủng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng đã trích lập dự phòng giảm giá lên đến hàng trăm tỷ đồng, điều này phần nào giảm bớt gánh nặng trong quý cuối năm.
Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước yếu đi buộc các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho. Tuy nhiên, xu hướng này nếu tiếp tục sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý IV bởi lượng tồn kho dù đang giảm nhưng vẫn còn rất lớn.
Sự khó lường của ngành thép thể hiện rõ nhất trong trường hợp của Hòa Phát. Cụ thể, chỉ vài tuần trước khi BCTC quý III được công bố, SSI Research còn ước tính lợi nhuận sau thuế quý III của doanh nghiệp này đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Thế nhưng, con số thực tế lại âm đến gần 1.800 tỷ đồng, khác xa với dự báo.
Còn trong báo cáo gần đây, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát xuống 12.200 tỷ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, theo ước tính của SSI, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, do nhu cầu thị trường yếu hơn, Hòa Phát có thể cân nhắc tạm thời đóng một phần công suất lò cao trong thời gian ngắn hạn.
Trong khi tác động của hàng tồn kho chi phí cao có thể giảm dần trong thời gian tới, nhưng giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023.
Về dài hạn, nhu cầu chậm lại và lãi suất tăng có thể là cơ hội trong dài hạn cho các doanh nghiệp thép đầu ngành tiếp tục gia tăng thị phần nhờ tình hình tài chính vững mạnh, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh nhỏ và kém hiệu quả hơn có thể dần bị đẩy ra khỏi thị trường./.