Vì sao rạn san hô ở bờ biển Địa Trung Hải lại bị tàn phá?
Vì sao rạn san hô ở bờ biển Địa Trung Hải lại bị tàn phá?
Theo các nhà khoa học, tại các vùng nước nông ôn đới của Địa Trung Hải, những rạn san hô màu đỏ và tím rực rỡ nay đã bị tẩy trắng và trở nên dễ gãy do nhiệt độ nước biển đang dần tăng lên
Trở về sau chuyến lặn thăm dò vùng biển ngoài khơi thành phố Marseille tại miền nam nước Pháp, Tristan Estaque, nhà hoạt động của nhóm bảo tổn biển Septentrion Environnement lộ rõ vẻ mặt đầy thất vọng. Ông khẳng định môi trường biển nơi đây đang xuống cấp nhanh chóng.
Trong các cuộc lặn thăm dò cách đây chỉ 2 tháng, các nhà khoa học còn nhìn thấy khung cảnh nguyên vẹn với san hô sừng tím còn tươi tốt. Tuy nhiên, nơi đây đã trở thành khu rừng “ma” với những nhánh san hô to lớn nay chỉ còn thưa thớt vài mô sống.
San hô sừng là loại san hô phổ biến trên khắp hành tinh, với các khung xương linh hoạt được bao phủ bên ngoài với các lớp polyp. Những rạn san hô ở Địa Trung Hải đã hình thành nên các khu rừng, trở thành nơi trú ẩn cho nhiều sinh vật. Lưới đánh cá, mỏ neo và sự bất cẩn của thợ lặn đều có thể phá vỡ cấu trúc mỏng manh này, trong khi việc tiếp xúc trong thời gian dài với nhiệt độ cao khiến chúng có nguy cơ chết dần.
Theo báo cáo của các chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc trong năm nay, các đợt nắng nóng tại các vùng biển đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo tổ chức Mercator Ocean International chuyên giám sát đại dương tại Châu Âu, mùa hè này, khu vực miền Tây Địa Trung Hải đã hứng chịu đợt nắng nóng lớn, khi nhiệt độ nước tăng 5 độ C so với mức bình thường. Tại một số nơi, nhiệt độ nước đã lên tới 30 độ C.
Các cuộc khảo sát do nhóm Septentrion Environnement thực hiện cho thấy kể từ thời điểm đó, khoảng 70 – 90% lượng san hô sừng đỏ ở khu vực có chiều dài từ 10 – 20 m ngoài khơi thành phố Marseille đã chết. Điều này không chỉ xảy ra gần vùng biển miền nam của Pháp.
Theo chuyên gia Stephane Sartoretto thuộc cơ quan nghiên cứu Ifremer của Pháp, hiện tượng san hô sừng chết dần cũng được ghi nhận tại các vùng biển của Tây Ban Nha và quanh đảo Sardinia của Italy. Mức độ nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào san hô ở độ sâu nào. Dọc theo đường bờ biển của Công viên quốc gia Calanques ở Pháp, với nhiều sinh vật sống ở vùng nước nông, san hô sừng chỉ cách mặt nước 6 m, nên rất nhiều san hô có xu hướng chết dần. Trong khi đó, tại quần đảo Balearic, san hô ở độ sâu tới 40 m nên ít chịu ảnh hưởng hơn.
Ngoài san hô sừng, bọt biển và các động vật thân mềm hai mảnh vỏ cũng chịu ảnh hưởng. Các đợt nắng nóng tương tự ngoài biển đã tác động tiêu cực đến các trại nuôi trai lấy ngọc với 150 tấn trai thương mại và 1.000 tấn trai nhỏ để thu hoạch vào năm tới tại Tây Ban Nha đã bị mất trắng trong mùa hè.
Chuyên gia Basthard-Bogain cho rằng nhiệt độ giảm bớt tại Địa Trung Hải có thể giúp bảo vệ các san hô còn sót lại qua mùa hè vừa rồi. Tuy nhiên, việc nhiệt độ nước vẫn nóng có nguy cơ làm lây lan các mầm bệnh. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện thêm đợt nắng nóng nữa trước cuối mùa thu.
Chuyên gia Sartoretto lo ngại rằng sự xuất hiện liên tiếp các đợt nắng nóng có thể hủy hoại san hô. Giống như hệ lụy từ các trận cháy rừng trên đất liền, sẽ mất nhiều thập kỷ để các rạn san hô phục hồi. Với tỷ lệ sinh sản thấp, san hô đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị