Chống loãng xương từ cây dược liệu ở một số tỉnh phía Bắc
Chống loãng xương từ cây dược liệu ở một số tỉnh phía Bắc
Các nhà khoa học đã phát hiện các hợp chất quý trên loài Bướm bạc, loài Đinh lăng và loài Vót vàng nhạt, tạo cơ sơ cho việc phát triển các sản phẩm có hiệu quả chống loãng xương.
Được coi là “sát thủ thầm lặng”, loãng xương đang là căn bệnh gây ra nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Việc nghiên cứu áp dụng các phương pháp thử nghiệm hoạt tính chống loãng xương vào sàng lọc các loài thực vật sẽ góp phần quan trọng trong việc mở ra hướng đi mới trong tìm kiếm và phát triển các dược tố có hoạt tính cao, hiệu quả cao từ nguồn dược liệu cổ truyền Việt Nam.
TS. Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và nhóm nghiên cứu đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính chống loãng xương từ nguồn tài nguyên thực vật tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam”. Mục tiêu nghiên cứu nhằm phát hiện các hợp chất có hoạt tính chống loãng xương, tạo cơ sơ cho việc phát triển các sản phẩm có hiệu quả chống loãng xương cao.
Loãng xương là hệ quả của sự rối loạn quá trình chuyển hóa xương dẫn đến mất chất khoáng trong xương, cấu trúc xương bị suy thoái, và gia tăng nguy cơ gãy xương. Để đảm bảo độ bền và sự nguyên vẹn, xương trải qua quá trình tái mô hình xương, khoảng 10% lượng xương được thay mới hằng năm. Tái mô hình xương là một quá trình sinh lý mà các xương bị tổn thương được loại bỏ bằng tế bào hủy xương rồi thay thế bằng các xương mới được tạo bởi các tế bào tạo xương. Sự phát triển của xương và cân bằng nội môi phụ thuộc vào sự cân bằng của quá trình tạo xương và hủy xương. Các thế bào hủy xương và tế bào tạo xương được coi là các tế bào tác động chính của hai quá trình này.
Việt Nam là quốc gia có nguồn thực vật phong phú và nền y học cổ truyền sử dụng thảo dược lâu đời. Miền Bắc Việt Nam là nơi có khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây thuốc sinh trưởng và phát triển. Đây là thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển lĩnh vực dược liệu. Việc tìm kiếm các hoạt chất từ nguồn thực vật Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, do việc xây dựng một mô hình thử nghiệm hoạt tính chống loãng xương còn rất hạn chế ở nước ta nên việc đánh giá khả năng ứng dụng của nguồn dược liệu Việt Nam trong hoạt động này chưa được như mong muốn.
TS. Nguyễn Hải Đăng và nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công quy trình sàng lọc thực hiện trên dòng tế bào RAW264.7 được biệt hóa thành tế bào hủy xương, do vậy có thể đáp ứng việc thử nghiệm hàng loạt, tăng hiệu quả sàng lọc các mẫu có hoạt tính.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá hoạt tính chống sự hình thành của hủy cốt bào trên tế bào RAW 267.4 của hơn 200 mẫu cao chiết thực vật và 41 hợp chất phân lập từ các mẫu thực vật tiềm năng. Kết quả cho thấy, 74 mẫu cặn chiết cho thấy tác dụng ức chế tế bào hủy xương gây ra do RANKL, trong đó có hợp chất từ loài Vót vàng nhạt, loài Bướm bạc và loài Đinh lăng.
Các kết quả của đề tài được công bố trên năm bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, ba bài báo uy tín trong nước, đã đăng ký một độc quyền sáng chế và hỗ trợ đào tạo một thạc sỹ hóa học.
TS. Nguyễn Hải Đăng cho biết, kết quả thử nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy rõ ràng tiềm năng rất lớn của các mẫu thực vật phía Bắc nước ta. Từ 235 mẫu thử nghiệm, đã có tới 74 mẫu (hơn 30%) có tác dụng ức chế tế bào hủy xương. Đây là tỉ lệ phát hiện rất cao, gợi ý rằng tiềm năng khai thác các hợp chất chống loãng xương từ nguồn dược liệu này là rất khả thi.
Nếu được cấp kinh phí, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai thác, đánh giá về hóa học và hoạt tính chống loãng xương của các mẫu còn lại (hiện mới có 3/74 mẫu có hoạt tính được lựa chọn đánh giá. Số lượng mẫu còn lại rất nhiều đề nghiên cứu tiếp theo hướng này. Ngoài ra, cơ chế hoạt động sâu của các hợp chất như MP3, VL1, VL2, các thử nghiệm trên động vật thực nghiệm cũng đề xuất được tiến hành để tạo tiền đề phát triển thành các thuốc chống loãng xương trong tương lai.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp viện do GS.TS Nguyễn Văn Tuyến – Viện Hoá học làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, ngày 15/8/2022 và được xếp loại xuất sắc.
Chu Thị Ngân
Trung tâm Thông tin – Tư liệu
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị