Cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn vào hợp tác xã
Giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã?
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Tên gọi dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Theo đó, tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hai phương án: (1) Luật các tổ chức kinh tế hợp tác và (2) Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Cho ý kiến về vấn đề này, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã, vì tên gọi này được sử dụng xuyên suốt trong quá trình phát triển, trong các chương trình truyền thông, trong tiềm thức của người Việt. Thực tế, trên thế giới cũng sử dụng thuật ngữ hợp tác xã thay vì tổ chức kinh tế hợp tác.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. (ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) đồng tình với tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì khái niệm hợp tác xã đã được sử dụng bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá hết tác động…
Đại biểu Lại Thế Nguyên (Đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã sửa đổi vì trên thực tế hiện nay tên gọi Luật Hợp tác xã đã đi vào cuộc sống, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật thì cũng không cần thiết phải đổi tên luật.
Theo đại biểu, dự thảo Luật đã liệt kê 13 nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác, song việc liệt kê như vậy là chưa đủ, cần viết khái quát hơn. Đại biểu cũng đề nghị quy định phân loại hợp tác xã theo 3 tiêu chí, đó là số lượng thành viên, tổng số vốn và doanh thu, giống như doanh nghiệp.
Đồng tình cần có các chính sách để hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu Lại Thế Nguyên cho rằng, nội dung các chính sách này cần phải cân nhắc cho phù hợp với các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đại biểu Lại Thế Nguyên (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tại tổ. |
Cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã giải quyết nhiều vướng mắc hiện hành như: thay đổi quy định về thành viên hợp tác xã, trong đó có thành viên chính thức và thành viên liên kết; thay đổi quy định về tỷ lệ cung cấp dịch vụ ra bên ngoài linh hoạt hơn, giúp tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã quy mô nhỏ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Đại biểu cho rằng, Luật cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn, tuy nhiên theo Luật Cán bộ, công chức không cho phép công chức, viên chức góp vốn vào hợp tác xã. Như vậy, một bộ phận các nhà khoa học và các trường đại học sẽ không thể tham gia điều hành hoặc đóng góp trí tuệ nhằm tăng thêm tiềm năng, nâng cao giá trị gia tăng cho các hợp tác xã, để hợp tác xã phát triển đúng với với tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị là tạo sự khác biệt giữa hợp tác xã với doanh nghiệp…
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), mô hình hợp tác xã cần khác hoàn toàn với mô hình của các tổ chức kinh tế khác. Nếu như công ty cổ phần có mục tiêu lớn nhất là tạo ra nhều lợi nhuận nhất thì hợp tác xã hình thành giúp các thành viên sản xuất tốt hơn.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Hợp tác xã nhằm tạo sức mạnh cho từng hộ sản xuất riêng biệt, hợp tác xã có vai trò nhiệm vụ liên kết các thành viên, thực hiện nhiệm vụ dự báo thị trường, cung cấp dịch vụ chung cho các hộ sản xuất riêng lẻ, hợp tác xã tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên địa vị, tiếng nói và đại diện cho các hộ sản xuất khi tiêu thụ sản phẩm…
Các đại biểu thảo luận tại tổ 14. (ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn Thanh Hóa) đồng tình với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhằm giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của thành viên hợp tác xã. Đại biểu cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục kế toán; không cần thiết xây dựng mục kiểm toán riêng cho hợp tác xã vì mô hình quản lý cũng như cách thức quản lý của hợp tác xã ở mức độ rất đơn giản.
Liên quan đến việc giải thể, phá sản hợp tác xã, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị cần quy định hết sức đơn giản, đồng thời, đại biểu cũng không đồng tình với quy định giám đốc, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng, người làm kế toán phải có chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền.
Cùng quan tâm đến Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 56 Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trong đó có 1 quỹ cấp Trung ương và 55 quỹ địa phương. Với mục đích của quỹ là hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, việc thành lập Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguồn tài chính hình thành Quỹ, cơ chế vận hành, quản lý Quỹ.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, cần quy đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: thành lập, đăng ký, giải thể các hợp tác xã, trong đó khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên; đồng thời, bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các hoạt động của hợp tác xã như xây dựng hệ thống cơ sở trên các nền tảng số; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng công nghệ số cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã để sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhân sự, điều hành…
Nguồn: Báo lao động thủ đô