Người mua nhà nên làm gì trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục tăng?

Trước bối cảnh các ngân hàng liên tục tăng lãi suất cho vay, chuyên gia cho rằng người có ý định mua nhà trả góp, phải tính toán lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình.

Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 1%/năm, tăng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%/năm và tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %.

Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng thương mại như OCB, Sacombank, VP Bank, NCB, SeA Bank, VIB đã cùng điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn lên mức từ 6 – 6,8%/năm; các kỳ hạn dài hơn lãi suất tăng thêm khoảng 8 – 9%/năm.

Còn 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cũng áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 3 – 6 tháng lên gần 5% và 12 tháng là 7,4%/năm. Do đó, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tiếp tục lập mặt bằng mới, ngang với thời điểm 2014.

Nhận định về điều vừa nêu, giới chuyên gia cho rằng lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ kéo theo lãi suất vay bị điều chỉnh. Bởi đa số ngân hàng thường áp dụng mức lãi vay cao hơn lãi suất huy động từ 2,7 – 3%/năm với cùng kỳ hạn. Thậm chí, có ngân hàng còn có mức chênh lệch lãi vay và huy động lên tới 3,5 – 4%/năm.

Thậm chí, nhiều khả năng sắp tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ còn tiếp tục điều chỉnh lãi suất gây sức ép lên nền kinh tế trong nước, làm chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng nhanh tương ứng nên việc các ngân hàng Việt Nam tiếp tục điều chỉnh lãi suất là khó tránh khỏi.

Đồng thời, việc điều chỉnh lãi suất này đang khiến người mua nhà và cả doanh nghiệp trong ngành bất động sản chịu ảnh hưởng. Bởi lẽ, khi tín dụng chịu kiểm soát, lãi suất tăng sẽ làm doanh nghiệp khó huy động vốn, làm chi phí đầu vào tăng.

nguoi mua nha nen lam gi trong boi canh lai suat ngan hang lien tuc tang
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang mạnh tay với các chính sách bán hàng, tăng chiết khấu, ưu đãi ở mức tương đương chi phí đi vay ngân hàng để giảm giá nhà cho người mua trong bối cảnh nguồn vốn eo hẹp. (Ảnh minh họa)

Trước bối cảnh vừa nêu, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ, trong bối cảnh này, nếu đã đi vay, người mua sẽ chịu tác động tăng lãi suất theo hướng thả nổi. Do đó, người mua nhà cần tính toán cân đối chi tiêu, xem xét khả năng thanh toán của bản thân, tính toán trước khả năng nếu không trả được nợ có thể bị bán giải chấp tài sản. Đặc biệt, phải ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu và tính chuyện thanh khoản bớt các khoản đầu tư kém để tái cấu trúc dòng tiền và tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao để tránh rủi ro, “chôn tiền” một chỗ.

Đối với người có ý định mua nhà trả góp, phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình. Đồng thời, cần dự tính trước rằng việc lãi suất cho vay tăng có thể sẽ tác động đến chi phí phát triển và khiến giá nhà tăng trong thời gian tới.

Trước bối cảnh lãi suất gia tăng, thị trường địa ốc sẽ có những điều chỉnh phù hợp để duy trì quyền lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Bởi khi dòng vốn vào thị trường gặp khó, các chủ đầu tư sẽ phải tìm hướng tăng huy động từ người mua nhà để duy trì dòng tiền hoạt động.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang mạnh tay với các chính sách bán hàng, tăng chiết khấu, ưu đãi ở mức tương đương chi phí đi vay ngân hàng để giảm giá nhà cho người mua.

Chuyên gia đánh giá đây là giải pháp thông minh giúp doanh nghiệp tự giải cứu mình trong bối cảnh dòng vốn tắc nghẽn, còn người mua có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở khi giá mua thực tế giảm. Do đó, những người muốn sở hữu nhà giai đoạn này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi doanh nghiệp chấp nhận cắt lời để giúp khách hàng gánh một phần mức lãi suất gia tăng khi mua nhà…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích