Tân Yên – Vùng đất quật khởi

Tân Yên – Vùng đất quật khởi

Châu Giang –  Thứ ba, 01/11/2022 17:38 (GMT+7)

Tân Yên là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 6/11/1957 theo Nghị định số 532 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Tân Yên – vùng đất quật khởi.

Tân Yên là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 6/11/1957 theo Nghị định số 532 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trước thời điểm ấy Tân Yên là phần đất phía Nam của huyện Yên Thế. Huyện Yên Thế cũ có từ thời Lý – Trần với tên gọi là Yên Viễn, có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng yên bình, thuộc Bắc Giang đạo (sau là Lộ Bắc Giang). Đầu thế kỷ 15, thời thuộc Minh, Yên Viễn được đổi thành Thanh Yên thuộc Châu Lạng Giang, Phủ Lạng Giang, lỵ sở đặt ở Lăng Cao, sau đó chuyển thành Hữu Mục. Đầu thế kỷ XIX thời Nguyễn, Yên Thế thuộc phủ Hà Bắc xứ Kinh Bắc.

Thời kỳ đầu Pháp thuộc, năm 1886, sau khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương và thành Tỉnh Đạo, chúng đã lập ngay đạo Yên Thế, lỵ sở đóng ở Tỉnh Đạo để trực tiếp cai trị và đàn áp các cuộc đấu tranh, nổi dậy của nhân dân Yên Thế. Ngày 10/10/1895, Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang, huyện Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Yên Thế trở lại là đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Giang. Về mặt cơ cấu hành chính, đến cuối thế kỷ 19 Yên Thế có 10 tổng và giữ nguyên cho đến trước Cách mạng tháng 8/1945. Khi Yên Thế cũ được tách làm 2 huyện mới, phần đất phía Bắc (miền thượng) vẫn giữ nguyên tên gọi Yên Thế. Phần đất phía nam là huyện Tân Yên. Khi chia tách thì 8/10 tổng của Yên Thế cũ nằm về đất Tân Yên đó là các tổng: Tổng Nhã Nam, Lan Giới, Mục Sơn, Tuy Lộc Sơn, Yên Lễ, Quế Nham, Ngọc Cục, Vân Cầu.

Là vùng đất có lịch sử, truyền thống lâu đời với câu phương ngôn “Trai Cầu Vồng Yên Thế”. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, nơi đây đã có Nàng Giã đại thần, chiêu binh đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc.

Các thế kỷ tiếp theo lịch sử đã ghi danh các anh hùng nhân kiệt tiêu biểu cho khí phách, cốt cách, truyền thống thượng võ, tài hoa… danh tiếng còn lưu truyền trong nhân dân. Đặng biệt trong thời kỳ lịch sử cận đại tại Yên Thế đã nổi lên cuộc Khởi nghĩa của Nông dân Yên thế kéo dài ngót 30 năm từ 1884 đến 1913 dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Nắm, sau đó là Hoàng Hoa Thám đã khiến cho giặc Pháp kinh hoàng. Đất này là đất cụ Đề. Tây Lên thì có Tây về thì không.

Tân Yên – vùng đất quật khởi.

Tháng 9/1944, chi bộ Đảng đầu tiên đã được thành lập ở Yên Lý (xã Phúc Sơn) và ở Đồng Điều (xã Tân Trung) để lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế, Ngô Thế Sơn… đã từng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tân Yên. Ngày 16 -17/3/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang họp tại Đồng Điều, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn tỉnh.

Hưởng ứng chủ trương của Ban cán sự tỉnh, tháng 6/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng huyện được thành lập, các làng đều có tự vệ chiến đấu tập trung. Phong trào phát triển rộng khắp trong toàn huyện mà đỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945, thành lập chính quyền cách mạng trên địa bàn huyện. Đây là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tiếp đó là Đế quốc Mỹ rồi chiến tranh bảo vệ Biên giới, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu. Hàng chục ngàn người con từ quê hương Tân Yên đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.

Trên 2000 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc. Tân Yên cũng là cái nôi của nhiều phong trào nhân văn có tiếng vang lớn, như Phong trào Cô tấm vào Hội, Mẹ đỡ đầu chiến sỹ, Nhà bia… Tôn vinh những đóng góp to lớn của cán bộ và nhân dân trong huyện, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 xã, và huyện Tân Yên anh hùng. 7 anh hùng LLVT, 1 anh hùng lao động, 206 Mẹ VNAH cùng nhiều phần thưởng cao quí khác.

Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2010-2020, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm.

Tân Yên luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các cấp biểu dương khen thưởng. Với những thành tích trong thời kỳ đổi mới năm 2007 huyện Tân Yên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, năm 2012 được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Hai; năm 2017 được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất; năm 2020 được công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, là huyện thứ 3 trong tỉnh đạt đích này. Tân Yên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cùng với đó nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động, Cờ thi đua, Bằng khen…

tm-img-alt
Quảng trường Lương Văn Nắm, thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, Tân Yên có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền liêm chính, hành động gắn với kiện toàn, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó tạo ra và lan tỏa được một sức sống mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới với một khát vọng vươn lên mạnh mẽ với ý chí tự lực tự cường.

Về kinh tế: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 11-13%; giá trị sản xuất trên 01ha đất nông nghiệp đạt trên 170 triệu đồng; thu nhập bình quân người trên năm đạt trên 82 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Sau 65 năm xây dựng và phát triển của huyện nhà là công sức, là trí tuệ và xương máu của lớp lớp các thế hệ những người con của quê hương Tân Yên anh hùng đã bền gan, vững chí đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng và tiếp nối truyền thống quê hương, vững bước cùng cả nước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, Tân Yên đã có những bước phát triển vượt bậc. Với chủ đề của Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; xây dựng huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Cùng với xu hướng vận động của tỉnh Bắc Giang, Tân Yên xác định tập trung phát triển cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; trong đó: Công nghiệp sẽ là động lực chính để tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc, tạo tiền đề cho bình ổn và phát triển; dịch vụ là yếu tố thúc đẩy phát triển.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa; phấn đấu kết quả năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau nỗ lực tốt hơn nhiệm kỳ trước. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải ý thức được trách nhiệm của mình, phải trăn trở trước sự phát triển của quê hương, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động.

Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, khát vọng vươn lên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục giành nhiều thắng lợi, xây dựng huyện ngày càng phát triển, giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích