Quản lý các nền tảng trên không gian mạng: Cần chế tài pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh

Càng nổi tiếng càng phải phát ngôn trách nhiệm

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như ở các địa phương. Theo đại biểu, thanh niên hiện nay được tiếp cận công nghệ rất sớm, số lượng người trẻ đông đảo sử dụng mạng xã hội ước tính là 71% người dùng, vì vậy, vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm.

Quản lý các nền tảng trên không gian mạng xã hội: Cần chế tài pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, những người trẻ nổi tiếng, là thần tượng có ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật với vai trò như ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Họ chính là biểu tượng cho những hình mẫu lý tưởng mà nhiều bạn thanh, thiếu niên hằng ngày vẫn khao khát, như có một ngoại hình đẹp như nam thần, nữ thần, cuộc sống xa hoa được hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu người hâm mộ.

Tuy nhiên, cách ứng xử của những thần tượng trẻ tuổi đôi khi lại gây ra rất nhiều quan ngại. Người hâm mộ trẻ thì đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, chưa phân biệt được giá trị thật, ảo của vô vàn thông tin trên mạng, dễ bị lôi cuốn vào những điều mới mẻ. Do vậy, những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi.

“Sự thành công của người nổi tiếng gắn liền với người hâm mộ, họ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển tư duy của người hâm mộ trẻ tuổi. Vì vậy, họ cần phải có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội và cũng cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, những nguồn thu nhập khủng từ các nền tảng trực tuyến như trên Youtube, Tiktok, Facebook tạo ra nhiều trào lưu các bạn trẻ làm việc trên các nền tảng như làm Youtuber, TikToker. Tuy nhiên, bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ thể hiện trên kênh cá nhân những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để câu like, câu view.

Đáng lo ngại là những video này lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên, thậm chí nhiều trẻ em hằng ngày vẫn lướt xem. Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc rằng không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức, chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền.

Việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc này còn ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình, tiền.

“Đáng báo động hơn là thực trạng nhiều người, trong đó có các bạn trẻ khi chứng kiến các vụ bạo lực học đường, tai nạn giao thông hay những vụ án mạng lại có thái độ vô cảm, thản nhiên phát livestream, quay clip đưa lên mạng, thay vì hỗ trợ hoặc báo cho các cơ quan chức năng đến ứng cứu”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, xây dựng môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng; xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn

Cùng quan tâm đến vấn đề sử dụng mạng xã hội, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ – một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Quản lý các nền tảng trên không gian mạng: Cần chế tài pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền sử dụng mạng xã hội cho học sinh Trường THPT Yên Viên. (Ảnh: ĐLSHN)
Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%, thứ hai là Facebook, tỷ lệ sử dụng là 91,7%, kế tiếp là Zalo, 76,5%… điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi. Cũng theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi, chiếm khoảng 71% và thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày.

Điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội lại chứa nội dung xấu, độc, có những thông tin dụ dỗ, lôi kéo mang tính chất kích động, bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc, hay các phim ảnh kích động, đồi trụy… Bên cạnh đó là tình trạng đăng tải các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân; tình trạng lợi dụng mạng xã hội dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm, từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội dẫn đến hẹn nhau giải quyết ngoài đời thực…

Trong khi đó, giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội, tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, học tập cũng như công việc và các hoạt động khác trong cuộc sống.

Cũng theo đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để quản lý và sử dụng mạng xã hội, đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn vẫn chung chung, còn có sự chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý, chưa có chế tài và tính nghiêm khắc, răn đe mạnh đối với các tổ chức, cá nhân cố ý lợi dụng những khe hở của pháp luật hoặc cơ chế, chính sách để sử dụng mạng xã hội với những mục đích xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm túc và phối hợp với các ngành có liên quan quan tâm hơn nữa và có những định hướng, giải pháp tối ưu nhằm hạn chế vấn đề này. Đồng thời, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, định hướng cho để giới trẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội, biết cách khai thác chọn lọc các thông tin hữu ích và tránh xa những tin độc hại, ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói khi sử dụng mạng xã hội, không vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội.

Bên cạnh việc chú trọng thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đại biểu cũng nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng.

“Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội, phải làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội. Qua đó, giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân, thiện, mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, có thái độ đấu tranh, phản bác rõ ràng với cái sai, cái xấu trên mạng”, đại biểu nhấn mạnh./.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích