Đừng mỉa mai, oán thán đội ngũ đang dành lại những “vùng xanh”!

Đừng mỉa mai, oán thán đội ngũ đang dành lại những “vùng xanh”!

Từ 23/8, bắt đầu thực hiện chỉ thị 11, người dân TP.HCM tuyệt đối không ra khỏi nhà ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và một số trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, có nhiều sự phản hồi, nhiều tin nhắn được gửi đi, chế giễu các chiến sĩ tân binh, quân nhân làm nhiệm vụ chống dịch. Thậm chí đã có nhiều trường hợp kêu la, phản ứng, buông lời oán thán khi thực phẩm cứu trợ chưa phân phát kịp, hàng đi chợ chưa được cung ứng kịp thời; Trong khi họ là một trong những lực lượng tuyến đầu; là những người đang giành giật lại những “vùng xanh” được đánh dấu trên bản đồ.

tm-img-alt
Quân đội đi chợ và đưa thực phẩm giúp dân tại TP.HCM

0h ngày 23/8 – Lực lượng quân đội chính thức tham gia chống dịch tại TPHCM. Sau gần 3 tháng giãn cách xã hội theo nhiều chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, chỉ thị 10 của thành phố, TP.HCM vẫn chưa kiểm soát được dịch covid 19. Tiếp theo là chỉ thị 16 kèm chỉ thị 11 của thành phố được tiếp tục thực hiện. Quân đội, công an, y tế các tỉnh thành đã tập trung hỗ trợ Sài Gòn, nơi đang là tâm dịch của cả nước. Không phải quân nhân nào, người lính nào cũng biết đi chợ.

Nhiều tin nhắn được soạn ra, gửi đi trên nhiều group, những tin nhắn được share theo kiểu như chế giễu, đùa cợt trên sự cống hiến, hy sinh của quân nhân, các “ chú bộ đội” , khi chính họ đang là những người giúp dân phòng chống dịch bệnh tại tại tâm dịch TPHCM.

Sáng 25/8, mở cửa căn phòng của mình, tôi thấy một quân nhân trong bộ đồ lính trận, trang bị khẩu trang và tấm chống giọt bắn đang đi đến từng nhà trong khu phố. Cầm những tờ phiếu đăng kí đi chợ trên tay, người quân nhân gõ cửa từng nhà, từng căn phòng không có khoá ngoài để đưa từng tấm giấy đăng kí, ân cần hỏi thăm và chia sẻ thông tin về việc đăng kí combo thực phẩm được soạn sẵn.

tm-img-alt
Công an  đưa quà đến người dân

Trong trận chiến này, các chiến sĩ đang cống hiến sức mình để giúp thành phố, giúp bà con Sài Gòn chống dịch. Họ giúp người Sài Gòn gom phiếu, đi chợ, phân phát hàng hoá đến người dân. Mang trên mình bộ quần áo đẫm ướt mồ hôi, họ đang cùng các lực lượng chức năng khác gồng mình chống dịch.

Lính tân binh tuổi đa số là tuổi 18. Ở lứa tuổi này, có thể với một số đông các em còn chưa tự lo được cho bản thân, còn sống bên mẹ cha hay người thân và gia đình, chưa tự thân lập thân.

Nhưng lớp tân binh tuổi 18 thời đã lên đường giúp dân. Vậy có lí do gì họ phải đón nhận những lời chế giễu kia…

Lực lượng tuyến đầu là những người đáng được tôn trọng và tôn vinh. Các chiến sĩ đã mang đến sự ấm áp cho người dân TP.HCM khi từng  túi quà cứu trợ được các anh len lỏi khắp nơi trong lòng phố, ngõ hẻm mang đến…

Với địa hình chằng chịt phức tạp, nhiều địa chỉ rất khó tìm đã khiến không ít quân nhân vất vả kiếm tìm đưa thực phẩm đến. Thay vì được hoan nghênh, đón nhận, cảm ơn, một số người lại tỏ thái độ mỉa mai, chê trách…Sao cá  không tươi, rau sao héo quá, sao đi lâu quá, thật đáng buồn !

tm-img-alt

Thời chiến, quân nhân cầm súng giữ biên cương, bảo vệ bờ cõi, chống giặc ngoại xâm. Thời bình, ngoài việc gác canh cho nhân dân yên giấc ngủ, tham gia giúp dân thu hoạch vụ mùa, khắc phục nhà cửa sau bão lũ, giờ các anh lại dùng sức mình, nắng mưa không ngại, vác lương thực trên vai, thực phẩm cầm tay, dốc sức mình giúp dân cứu đói trong đại dịch.

Vâng, những hình ảnh ấy, những con người ấy, hình ảnh “ Anh bộ đội Cụ Hồ” cần phải được mọi người trân trọng, nâng niu, kính trọng. Bởi sự hy sinh của họ lúc này không khác gì sự hi sinh trong cuộc chiến tranh bom đạn. Có thể tính mạng, sự sống của họ cũng đang bị đe doạ bởi loại vi rút thảm hoạ không mùi vị. Nhưng vì sự an nguy của Thành phố, sự an nguy của người dân mà các chiến sĩ đã ngày đêm lao vào chống dịch, mong sớm đem lại nhịp sống vốn có của Thành phố này.

Trong tháng 7 vừa qua, và giờ là những ngày cuối cùng của tháng 8, trên mặt trận tuyến đầu chống dịch, lực lượng công an nhân dân, dân phòng từng khu phố, tình nguyện viên vẫn đang  tham gia chống dịch, các chốt chặn vẫn được gác canh dưới trời nắng nóng và những đêm mưa ướt sũng…

Từ trong các chốt chặn, tuần tra của lực lượng phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và trên cả nước, đã có nhiều sự hy sinh tính mạng của các chiến sĩ công an nhân dân để đảm bảo an ninh trật tự trong công tác phòng chống dịch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đã có không ít người dân khi qua chốt kiểm dịch đã thiếu kiềm chế cảm xúc bản thân, thậm chí có nhiều trường hợp văng tục, chửi bới lực lượng chức năng, buông lời đến mức khó nghe, thậm chí chống cự, vượt chốt tông vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Những chiến sĩ màu áo xanh, áo vàng, lực lượng an ninh nhân dân đang giúp người dân. Nhưng những đại từ nhân xưng được một số người vô tình réo lên theo một kiểu gọi, kiểu phán xét thật vô tâm thật đáng buồn.

“…Nó”…Giọng một người phụ nữ vừa qua chốt vừa chạy xe vừa ngoái đầu nói với người đang hỏi: “ Tụi nó chốt đằng kia”..”,  “mấy thằng đó” không cho qua đâu…( Lời trên một đoạn tin được chia sẻ trên Facebook và zalo).

Ở TP Hồ Chí Minh, có đồng chí Phan Tấn Tài, Đại úy, cán  bộ Đội Cảnh sát ma tuý Công an Quận 6 đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch (ngày 2/8/2021), trong khi đồng chí là người con trai duy nhất của gia đình.

Hay ở Tây Ninh, Đại uý Lê Huỳnh Nhật Minh, 32 tuổi, Phó trưởng công an xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh trong quá trình tham gia truy vết các ca dương tính trên địa bàn đã nhiễm COVID-19 và cũng đã hy sinh (11/8/2021). Anh được phong hàm thiếu tá và cũng là con một của gia đình.

Ở Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An có đồng chí Trung uý Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1995, là cán bộ đội an ninh, cũng đã hi sinh khi tham gia chống dịch  6/8/2021).

tm-img-alt

Những trường hợp trên là một số trong các trường hợp lực lượng công an tham gia phòng chống dịch đã hy sinh tính mạng, để lại cho gia đình, đồng đội và cả xã hội những tiếc thương vô cùng khi tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước.

Đó là những con người xứng đáng được tôn vinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước. Vì nhân dân quên mình phục vụ.

Vậy mà một số các phần tử xã hội vì sự bức xúc trong thời kì giãn cách, đã buông lời khó nghe, xưng hô với những ngôn từ hỗn tạp khó chịu,  thể hiện sự coi thường, trong khi sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu là mất mát quá lớn.

Những cán bộ, chiến sĩ, có thể không được về nhà và ở lại cơ quan sau giờ làm việc, vì còn vợ con và gia đình, sợ nhiễm bệnh và lây cho người thân. Đã gần 3 tháng, mỗi chiến sĩ dù có khoẻ bao nhiêu, được rèn luyện bao nhiêu thì sức người vẫn có giới hạn, có người chưa được về nhà nghỉ ngơi. Nhưng họ, những người chiến sĩ công an nhân dân đã không ngừng nghỉ, ngày đêm canh gác, giữ yên an ninh trật tự trên mọi tuyến đường, cung đường và những điểm nóng bảo vệ cuộc chiến chống dịch COVID -19.

Có nhiều nơi, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, bệnh viện tuyến cuối, các y bác sỹ đã tận tâm, hết lực, gồng mình giúp người, cứu sống các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng.

Như trường hợp, nữ hộ sinh Nguyễn Thuỳ Trinh, nhân viên khoa sản bệnh viện Bình Dương, trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân không may nhiễm COVID-19 và đã hi sinh khi đang mang thai 20 tuần tuổi.

Có rất nhiều trường hợp đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, y tá, điều dưỡng vì làm việc quá sức nên đã kiệt sức đến  ngất xỉu.

Đừng buông lời cay đắng! Hãy nói lời cảm ơn! Cảm ơn lực lượng nơi tuyến đầu, công an, quân đội, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên đã hy sinh, mạnh thường quân, các đội thiện nguyện đang giúp dân, giúp thành phố và cả nước cùng nhau chống dịch, mau chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Đỗ Thảo

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích