Sửa Luật đất đai: Cần làm rõ việc định giá đất phù hợp với thị trường
Sửa Luật đất đai: Cần làm rõ việc định giá đất phù hợp với thị trường
Góp ý về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường.”
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế, song đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nhiều nội dung, trong đó cần làm rõ nguyên tắc giá trị đất phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường.
Thông tin trên được đưa ra tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 1.11 về Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phân cấp mạnh về thẩm quyền gắn với kiểm tra, giám sát
Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh dự thảo Luật đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, trách nhiệm của từng cơ quan trong quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai.
Cùng đó, dự thảo Luật phân cấp mạnh về thẩm quyền gắn với kiểm tra, giám sát đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Quy định trách nhiệm, đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trong thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất; quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng giải quyết vướng mắc liên quan đến công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất.
“Dự thảo Luật cũng đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất,” Phó Thủ tướng nói.
Theo đại diện Chính phủ, dự thảo Luật giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể trên cơ sở điều kiện, khả năng đất đai của địa phương…
“Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về kiểm toán đất đai, theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp,” Phó Thủ tướng nói.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số nội dung, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát, bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu “Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển” trong Nghị quyết 18.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Cùng đó, việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất thu hồi.
Đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện khi quỹ đất này chưa được giải phóng mặt bằng tại thời điểm đấu giá.
Về giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” cũng như quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra.
“Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước,” ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Liên quan tới thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai qua Ủy ban Nhân dân các cấp và qua Tòa án Nhân dân; khả năng đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai của hệ thống Tòa án.
Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp đất đai, đồng thời đề nghị bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân trong việc cung cấp tài liệu làm căn cứ cho Tòa án Nhân dân giải quyết tranh chấp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị