Đại biểu đề nghị truy giao dịch đáng ngờ của người có nhiều đất không phù hợp thu nhập

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản.

Phát biểu thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sáng ngày 1/11, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết. Việc này không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

dai bieu de nghi truy giao dich dang ngo cua nguoi co nhieu dat khong phu hop thu nhap
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) (Ảnh: Media Quốc hội).

Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, bà Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động.

“Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá”, bà Chung nêu.

dai bieu de nghi truy giao dich dang ngo cua nguoi co nhieu dat khong phu hop thu nhap
Khu đất đấu giá ở huyện Đông Anh (Hà Nội) có nhiều sai phạm (Ảnh: Trần Kháng).

Đại biểu này cũng cho rằng cần bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Bà Chung cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện những biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Theo đại biểu này, cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn TP Hà Nội) thì đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, cần phải có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội.

“Quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng chống rửa tiền như ở Văn phòng đăng ký đất đai khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến các cá nhân sở hữu nhiều đất đai không phù hợp với thu nhập cá nhân”, ông Trung nhấn mạnh.

Phát biểu tại thảo luận này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, theo quy định của dự thảo khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi các điều này quy định về dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử.

“Đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo. Tuy nhiên, phần lớn các quy định về dấu hiệu đáng ngờ còn mang tính định tính, chưa thật sự rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ”, bà Hà nói.

Ý kiến về quy định giao dịch có giá trị lớn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị nên quy định cụ thể quy định này trong luật để dễ theo dõi thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này.

“Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm vừa qua cũng không thay đổi. Hiện nay mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20 ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo”, ông Thịnh nói và đề xuất, có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có thể là 500 triệu đồng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích