Cửa khẩu thông thương, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vững bước vươn lên tầm cao mới

Cửa khẩu thông thương, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vững bước vươn lên tầm cao mới
Xe hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc từ bãi trung chuyển đến khu vực chuẩn bị thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: PV

Xúc động lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc

Ông Lâm Long Đức (quốc tịch Trung Quốc) là Tổng Giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải, một trong 50 doanh nghiệp nhập khẩu nông sản hàng đầu Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô). Doanh nghiệp của ông Lâm là đơn vị đầu tiên tại Trung Quốc nhập khẩu lô sầu riêng chính ngạch của Việt Nam, vào ngày 19.9 vừa qua. Hàng được xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).

Sáng 30.10, bình luận về sự kiện này với phóng viên, nam doanh nhân người Trung Quốc không khỏi xúc động: “Đó là giây phút mang tính lịch sử”.

“4 năm đàm phán, rồi lại bị gián đoạn do 2 năm dịch COVID-19. Phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Chúng tôi thực sự hy vọng vào việc phía Việt Nam sẽ làm tốt các quy chuẩn mà hai nước đã thống nhất. Và cuối cùng mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ” – ông Lâm nhớ lại.

Ông Lâm Long Đức cho biết thêm, phụ nữ Trung Quốc ngày càng thích sầu riêng, bởi “ăn mà không sợ béo, vị ngọt, thanh”, không những vậy còn rất tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, vị của sầu riêng Việt Nam khá tương đồng với của Thái Lan nhưng lại có lợi thế do nằm ở vị trí địa lý gần vì vậy trái sầu của Việt Nam khi vào Trung Quốc chắc chắn sẽ rất cạnh tranh.

Cùng chung niềm xúc động và tự hào, ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Việt Nam) cho biết, sau khi sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, doanh nghiệp của ông đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng từ nay đến năm 2023.

Ông Huy đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Ngoài việc ăn tươi hoặc ướp lạnh như thường thấy, ông Huy cho biết, hiện Trung Quốc đã phát triển bánh bao sầu riêng, nước uống chế biến từ sầu riêng… Do đó, có thể thấy thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp và nông dân Việt Nam khai thác.

Sầu riêng là loại quả thứ 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và hai doanh nghiệp trên chỉ là một trong số rất nhiều các cặp đối tác Việt – Trung trong xuất nhập khẩu, phân phối mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, nhiều năm qua.

Trước sầu riêng, 10 loại quả khác của Việt Nam là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và chanh dây đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến, chủ yếu được xuất qua các cửa khẩu phía Bắc (trong đó, nhiều nhất là Lạng Sơn) đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.

Điều này được thể hiện qua thống kê của Bộ Công Thương. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỉ USD, chiếm 18,5% thị phần; đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.

Người bạn hàng lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Có mặt tại TP.Lạng Sơn những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập các đường làng, con phố khi địa phương này chuẩn bị tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung vào ngày 2.11 tới. Đặc biệt hơn khi Hội chợ năm nay diễn ra đúng dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30.10 – 2.11.

Từ TP.Lạng Sơn di chuyển tới cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chúng tôi gặp nhiều container chở hàng hoa quả từ phía Nam ra, tập kết tại bãi trung chuyển chờ xuất khẩu.

Từng có gần 20 năm chở hàng nông sản đến cửa khẩu giáp Trung Quốc để xuất khẩu, tài xế Nguyễn Văn Tài (Bình Thuận) đánh giá, Trung Quốc là bạn hàng lớn của nhiều người nông dân và cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Việt Nam bởi nhu cầu tiêu thụ lớn, vị trí địa lý gần.

“Chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm trong giao thương mua bán với bạn hàng Trung Quốc. Khi mình làm ăn uy tín, đảm bảo chất lượng, thì luôn được khách hàng thanh toán 100% ngay sau khi hàng xuất xưởng. Trong xuất khẩu trái cây, nông sản thì theo tôi, thị trường Trung Quốc có khi còn khó hơn thị trường Mỹ nên bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy khi nghĩ rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính” – anh Tài chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Phan Mạnh Trường, một chủ hàng chuyên xuất khẩu chuối sang Trung Quốc cho biết, không có thị trường nào tiềm năng hơn Trung Quốc.

“Nước bạn có hơn 1 tỉ dân mà mùa vụ sản xuất chuối lại rất ngắn, chỉ chừng 2 tháng, nhu cầu nhập khẩu lớn hàng chục triệu tấn/năm. Trong khi chuối nước ta xuất qua đó chỉ loanh quanh 1 triệu tấn/năm. Điều quan trọng là người nông dân và các doanh nghiệp ngày càng phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nước bạn” – ông Trường nói.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên cơ sở các lợi thế về vị trí địa lý cùng định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc rất lớn, luôn ở trong nhóm dẫn đầu của cả nước.

Bà Đoàn Thu Hà cho biết, thời điểm bình thường, trung bình hằng ngày có khoảng 1.300 – 1.500 xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, cao điểm có thể lên tới gần 2.000 xe/ngày. Tuy vậy, khi nước bạn thực hiện chính sách Zero COVID, kiểm soát dịch nghiêm ngặt, lượng xe hàng xuất khẩu giảm, một số thời điểm xảy ra ùn ứ tại các cửa khẩu.

Sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng sự nỗ lực của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, đến thời điểm này, số xe hàng tồn tại các cửa khẩu chờ xuất khẩu chỉ còn hơn 300 xe, không xảy ra ùn ứ.

“Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu luôn sẵn sàng ứng trực kể cả trong các ngày lễ, Tết để làm sao số lượng xe hàng được xuất đi là lớn nhất. Mỗi xe hàng được xuất qua cửa khẩu với số lượng từ hàng chục đến hàng trăm tấn hoa quả sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề về đầu ra sản phẩm cho người dân và các doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm.

Thay đổi cách làm, đảm bảo quy chuẩn

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường Trung Quốc hiện đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ta cũng phải thay đổi. Từ thói quen, tập quán canh tác phải thay đổi theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Trái cây Việt Nam phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

Theo TRẦN TUẤN/Laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/cua-khau-thong-thuong-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-vung-buoc-vuon-len-tam-cao-moi-1111044.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích