Bình Thuận: Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động

Mới đây, Bình Thuận ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030 của tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành chủ lực, lợi thế. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt 5%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 5 – 10%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt 5% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; Hình thành 01 tổ chức trung gian và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ quốc gia.

Đến năm 2030, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 17%/năm, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, lợi thế của tỉnh. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt 10%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 10 – 20%.

Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt 10% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; Hình thành thêm 01 tổ chức trung gian và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ quốc gia; Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.

Nhiệm vụ và giải pháp, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Rà soát các văn bản của Bộ, ngành Trung ương có liên quan nhằm tiến hành lựa chọn giải pháp phù hợp để vận dụng cho lĩnh vực thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ, tạo động lực cạnh tranh thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ;

Thúc đẩy các hoạt động nhằm gắn kết thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; cơ chế đẩy mạnh hợp tác viện, trường – doanh nghiệp; chính sách thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.

Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp: Điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ của một số lĩnh vực, ngành sản xuất chủ lực của tỉnh; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp;

Hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hướng dẫn trong việc hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về việc thành lập, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ.

Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm trong nước và hài hoà với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ: Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực, lợi thế của tỉnh; Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ: Từng bước hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ. Trong đó chú trọng dịch vụ chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của tỉnh,…

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ thuộc khu vực tư nhân; Kết nối mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối tổ dịch vụ khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.

 Ảnh minh họa.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quy mô cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư theo cả hai phương thức trực tuyến và trực tiếp;

Tăng cường xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ tại các thị trường có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà tỉnh có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng và triển khai chương trình, dự án hợp tác xúc tiến công nghệ và chia sẻ chuyên gia giữa tổ chức khoa học và công nghệ trong tỉnh với các đối tác ngoài tỉnh và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được công bố, trình diễn, giới thiệu, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước.

Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất, chất lượng, tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ;

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về thị trường khoa học và công nghệ, kết nối thị trường khoa học và công nghệ với thị trường khoa học và công nghệ quốc tế.

 Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích