Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng nổi bật

Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022.

Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng nổi bật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết, cách đây khoảng 1 năm (tháng 10/2021), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chuyển hướng chính sách, không theo đuổi “Zero-Covid” mà vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, nhìn lại tháng 10 và 10 tháng vừa qua, tình hình rất khác 10 tháng của năm 2021. Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro về cả kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự họp tập trung đánh giá tình hình tháng 10 và 10 tháng vừa qua, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm để kết thúc năm 2022 một cách thắng lợi, đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị phân tích làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các ý kiến mà Đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận trong 2 ngày qua.

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng nổi bật
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 sáng 29/10 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp theo chương trình, các đại biểu đã lắng nghe Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều điểm sáng nổi bật. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về những kết quả đạt được và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023.

Về tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, điều chỉnh hài hòa tỉ giá, lãi suất ở mức hợp lý, tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Cụ thể, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Đến ngày 25/10, tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước, điều hành tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Đồng thời, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc…

Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng nổi bật
Toàn cảnh phiên họp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 10 tháng qua, nước ta cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức: Tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19; Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng; Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro; Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ em còn thấp; cao điểm dịch sốt xuất huyết, số ca mắc chân tay miệng tăng…

Trong khi đó, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Bên cạnh lạm phát thì mối quan tâm đang có xu hướng chuyển dịch sang cả các lĩnh vực khác như bảo đảm an toàn tài sản, vốn đầu tư…

“Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Phương Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích