Thái Nguyên: Người dân khẩn thiết kêu cứu vì trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường
Thái Nguyên: Người dân khẩn thiết kêu cứu vì trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường
Mới đây, tòa soạn Môi trường và Đô thị nhận được đơn thư của người dân tại các thôn Vạn Phú, Hạ Đạt, Ao Sen thuộc xã Thành Công (Phổ Yên – Thái Nguyên) phản ánh nhiều trang trại lợn xả thải xuống kênh, mương và vứt lợn chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Trang trại lợn xả thải trực tiếp xuống kênh, mương
Theo đơn phản ánh, trên địa bàn xã Thành Công hiện có nhiều trang trại lợn, quy mô hàng nghìn con, xây dựng trong khu dân cư, cạnh nhà dân và trường học. Hầu hết các trang trại lợn đều không đạt yêu cầu về an ninh môi trường. Cụ thể, các trang trại không xây bể phốt để đựng nước tiểu và phân lợn, mà đục thẳng đường ống xả thải ra hệ thống kênh, mương chảy quanh địa bàn xã. Thậm chí, số lợn chết do dịch bệnh không được các chủ trang trại phân hủy mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng và xuống lòng kênh mương.
Sau gần chục năm tồn tại, từ một con kênh nước trong vắt, có hệ sinh thái phong phú, trẻ con các thôn xóm chiều chiều dầm mình tắm mát, hiện hệ thống kênh mương chảy qua các thôn xóm ở xã Thành Công đều bị ô nhiễm nặng, nước nổi váng đen đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…
Để tìm hiểu thực tế, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đến địa bàn xã Thành Công, mục sở thị các điểm ô nhiễm như đơn thư phản ánh.
Đặt chân đến địa phận xã Vạn Phú, mùi hôi thối cuốn theo gió bốc lên nồng nặc. Dọc theo con đường liên thôn, nhiều điểm tập kết rác tự phát với đủ loại rác thải ngập ngụa, bẩn thỉu. Tại điểm cầu Lai có một bãi rác tự phát khá lớn, đoạn mương chảy qua mố cầu nước đen đặc, bốc mùi rất khó chịu. Phóng viên phát hiện có những đoạn ống nhựa lớn dẫn nước thải xả thẳng xuống lòng mương. Dưới lòng mương, rác đóng thành tảng, lòng mương bị thu hẹp, ruồi nhặng bay loạn xạ.
Một số trang trại lợn quy mô lớn khác nằm chình ình trong thôn Vạn Phú, thôn Hạ Đạt, sát cạnh nhà dân và gần trường tiểu học. Không khó để nhận thấy các trang trại lợn đều có đường ống lớn dẫn nước và phân lợn xả trực tiếp xuống kênh.
Con kênh đi qua các điểm Cầu Lai, Cầu Dài, thuộc thôn Đặt, thôn Vạn Phú, thôn Đặt… đều một màu đen đặc, váng phân đóng thành lớp dày, đen kịt. Nếu nhìn không kỹ, có thể nhầm mặt nước với mặt đường trải xỉ than. Phóng viên lấy cành cây dài khuấy xuống mặt nước, phải một lúc váng nước mới tan ra, để lộ dòng nước đen kịt phía dưới lòng kênh.
Theo ông N.V.T thôn Vạn Phú, tình trạng ô nhiễm đã xảy ra gần chục năm, người dân trong xã Thành Công ngày đêm phải ngửi mùi hôi thối nồng nặc. Khó chịu nhất là vào mùa hè, khi nước ở kênh mương bị đun nóng bởi nhiệt độ mặt trời thì mùi sú uế càng nặng, mà theo người dân, không khí khi đó đặc quánh mùi hôi thối, khiến lồng ngực có cảm giác không thể thở nổi.
Một số người dân thôn Vạn Phú, Ao Sen, Hạ Đạt, Cầu Dài…, sinh sống gần các trang trại lợn còn cho biết, lượng lợn chết do dịch bệnh ở các trang trại, hầu hết đều không được tiêu hủy theo quy định, mà được đóng vào bao, vứt thẳng xuống lòng kênh, mương.
“Nếu có lợn chết, không cần đến khuya, ngay cả chiều tối, lúc vắng người là chủ trại lợn mướn người vác đi vứt lung tung, cả dưới nước, cả trên bờ cỏ. Chó ở các nhà dân trong xóm xé bao, cắn xé những con lợn đang phân hủy tha chạy khắp sân, vườn…”, một người dân khác cho biết.
Phỏng vấn người dân, phóng viên còn biết thêm, mấy năm gần đây, nhiều người dân xóm Đặt, xóm Cầu Dài, thôn Vạn Phú, thôn Hạ Đạt… mắc bệnh về đường họng, phổi, tiêu hóa…
Người dân thôn Vạn Phú, xóm Đặt, xóm Cầu Dài…, chủ yếu dùng nguồn nước giếng khoan. Thực tế một số điểm trên địa bàn, giếng khoan của nhà dân rất gần các trang trại lợn quy mô lớn và các mạch nước ngầm đều bắt vào con kênh đang đen đặc, hôi thối ngoài kia…
Ô nhiễm tồn tại gần chục năm, chính quyền đang ở đâu?
Điều đáng nói, khi người dân nhận thức được mối nguy hiểm về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa, họ đã nhiều lần gửi đơn lên xã, nhưng không được phản hồi. Chính vì lẽ đó, tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước đã ở mức báo động gần chục năm nay mà chính quyền vẫn không có động thái giải quyết…
Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã Thành Công để đặt lịch làm việc và xác minh thông tin phóng viên thu thập được, nhưng điện thoại của lãnh đạo xã luôn ở trạng thái đổ chuông không người nhấc máy hoặc không liên lạc được…
Phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc để ghi nhận phát ngôn từ phía lãnh đạo xã Thành Công. Thông tin và hướng giải quyết vụ việc sẽ được chúng tôi thông tin ở những kỳ tiếp theo.
Kỳ 2: Thái Nguyên: Nhiều trang trại lợn “bức tử” môi trường, trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị