Cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Đây là phát biểu của đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 28/10 về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.

Thu hút các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê

Theo đại biểu, có thể khẳng định năm 2022 mặc dù chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn chồng chất khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 cũng còn có những khó khăn, trong đó bộc lộ một vấn đề lớn rất cần được quan tâm là nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

Đại biểu nhấn mạnh, công nhân là lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, có những đặc điểm đặc thù so với các đối tượng khác, tuy nhiên quy định hiện hành lại chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này, hoặc chỉ là những quy định nằm rải rác trong một số văn bản liên quan và còn có những bất cập.

Đại biểu dẫn ví dụ như Luật Nhà ở năm 2014 đã xác định rõ người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Tại Nghị định số 100/2015/CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/CP, quy định một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống và học tập.

“Quy định này không hợp lý, vì thực tế nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thuộc đối tượng gia đình hộ nghèo, thu nhập thấp, mặc dù họ đã có nhà ở, đất ở nhưng là nhà ở, đất ở ở quê, ở cùng bố mẹ, anh chị em, do điều kiện đi làm xa hoặc chỗ ở chật chội nên rất cần được xem xét giải quyết hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đó là một trong những vướng mắc, bất cập đòi hỏi cần phải có sự tách bạch, có chế định riêng về nhà ở cho công nhân”, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu rõ.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân
Toàn cảnh phiên thảo luận (ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, đại biểu đoàn Bắc Giang cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Theo đại biểu, để hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn và chắc chắn cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

Từ thực tiễn của Bắc Giang, đại biểu cho biết, hiện nay địa phương đang có khoảng 5.100 công trình nhà ở do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng đủ tiêu chuẩn và đáp ứng cho khoảng 66.000 công nhân thuê. Theo tính toán của tỉnh đến năm 2025, nếu số dự án xây dựng nhà ở đáp ứng được một nửa số công nhân có nhu cầu thì Bắc Giang vẫn cần phải tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở để đáp ứng cho công nhân thuê với số lượng khoảng 180.000 lao động.

“Qua việc này cho thấy vị trí, vai trò của các hộ gia đình, của các cá nhân trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân rất quan trọng. Do đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các hộ gia đình, các cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Chú trọng triển khai cơ chế các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.

Ưu tiên cho người lao động chưa có nhà ở

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có ngay Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh). (ảnh: Quốc hội)

“Xin lưu ý là mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức từ 1/1/2023 và đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp, thu nhập thấp.

Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật Về lương tối thiểu. Nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách 202.000 tỷ đồng hay là tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD cũng như các thành tích khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân”, đại biểu nói.

Cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng lương, tăng thu nhập, đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh kiềm chế lạm phát và nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công.

Đồng thời, đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị có chủ trương, chính sách khuyến khích xây và bán, trả góp, cho thuê, mua nhà ở cho người thu nhập thấp, trước mắt ưu tiên cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chưa có nhà ở, qua đó bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và khu vực công.

Cùng quan tâm đến chính sách nhà ở, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị bổ sung thêm chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, để phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người lao động ở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. năm 2045.

“Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội bắt buộc đưa vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế 5 năm, hàng năm của cả nước và tỉnh. Xin kiến nghị để thực hiện chỉ tiêu này, Chính phủ nên cân đối bố trí nguồn lực để thực hiện”, đại biểu nói.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích