Các nhà khoa học phản đối kịch liệt khi chính phủ Ấn Độ cắt giảm giải thưởng

Các nhà khoa học phản đối kịch liệt khi chính phủ Ấn Độ cắt giảm giải thưởng

MTĐT –  Thứ sáu, 28/10/2022 12:41 (GMT+7)

Quyết định của chính phủ Ấn Độ loại bỏ hơn 300 giải thưởng được trao hàng năm cho các nhà nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực khoa học đã khiến cộng đồng khoa học nước này sửng sốt

Các nhà khoa học Ấn Độ đã rất ngạc nhiên khi biết rằng chính phủ có kế hoạch bãi bỏ gần 300 giải thưởng khoa học. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận có nhiều vấn đề trong việc lựa chọn người đoạt giải nhưng họ nói rằng quyết định này sẽ gây mất tinh thần cộng đồng khoa học và làm suy yếu sự theo đuổi khoa học ở Ấn Độ.

Chính phủ vẫn chưa công bố quyết định, nhưng biên bản cuộc họp do Bộ trưởng nội vụ Ajay Bhalla chủ trì vào tháng trước với sự tham dự của các quan chức cấp cao từ Bộ khoa học và y tế đã tiết lộ chi tiết. Ví dụ, cơ quan tài trợ khoa học và công nghệ chính của đất nước, Sở khoa học và công nghệ, chỉ giữ lại bốn trong số 207 giải thưởng của mình; Cục nghiên cứu khoa học và công nghiệp sẽ bãi bỏ hoặc hợp nhất sáu trong số bảy giải thưởng của mình; và Bộ Khoa học Trái đất sẽ hủy bỏ ba trong số bốn giải thưởng của mình.

Các Bộ năng lượng nguyên tử, không gian và y tế sẽ loại bỏ tất cả 45 giải thưởng của họ và giới thiệu các giải thưởng mới cho năng lượng nguyên tử và nghiên cứu không gian. Giải thưởng nào được rút ra không được đề cập, nhưng có thể được suy ra trong một số trường hợp.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra một giải thưởng mới, Giải thưởng Vigyan Ratna, đây sẽ là phiên bản giải Nobel của Ấn Độ, thông tin chi tiết về giải thưởng này vẫn chưa được công bố.

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều giải thưởng đi kèm với các phần quà hoặc trợ cấp tiền mặt nhỏ rất quan trọng đối với động lực và sự công nhận mà họ mang lại. Các nhà khoa học lo ngại về thông điệp mà quyết định loại bỏ nó sẽ gửi đến các nhà khoa học trẻ. Soumitro Banerjee, nhà vật lý tại Viện nghiên cứu và giáo dục khoa học Ấn Độ và là tổng thư ký của hiệp hội khoa học đột phá cho biết: “Việc loại bỏ chúng sẽ làm mất tinh thần cộng đồng khoa học và làm suy yếu sự theo đuổi khoa học ở Ấn Độ”.

Quyết định khó hiểu

Các nhà khoa học cho biết họ chưa được giải thích gì thêm về động thái này. nhà vật lý sinh học Gautam Menon tại Đại học Ashoka nói: “Chúng tôi không biết vì sao họ muốn xóa sổ các giải thưởng hiện có và cũng không rõ động thái này nhằm giải quyết vấn đề gì”.

Vishwesha Guttal, nhà sinh thái học tính toán tại Viện khoa học Ấn Độ Bangalore thì bày tỏ: “Chúng tôi cần hiểu lý do đằng sau việc loại bỏ các giải thưởng, cũng như tầm nhìn mới của chính phủ về hệ thống giải thưởng”.

Một cựu quan chức khoa học cấp cao của Ấn Độ chia sẻ với Nature rằng chính phủ đã cân nhắc động thái này từ hơn bốn năm trước. Nhưng có rất ít các thảo luận liên quan vì vậy các nhà khoa học đều bất ngờ.

Một mối quan tâm khác của các nhà khoa học là đến nay vẫn không có bất kỳ thông tin gì về giải thưởng khoa học cao nhất của đất nước, giải thưởng Shanti Swarup Bhatnagar của Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp. Giải thưởng này nhẽ ra đã phải được thủ tướng Ấn Độ trao vào ngày 26/9.

Nghi vấn thiên vị trong chọn người trao giải

Nhiều nhà khoa học thừa nhận rằng có những sai sót – chẳng hạn như thiếu tính toàn diện và minh bạch – trong một số quá trình chọn người để trao giải thưởng khoa học. Ví dụ, trong số 97 người nhận giải thưởng Bhatnagar trong 10 năm qua chỉ có 5 người là phụ nữ.

Tapasya Srivastava, nhà di truyền học tại Đại học Delhi, cho biết, trong một số trường hợp, các nhà khoa học ở các vị trí cấp cao trong các ủy ban giải thưởng chọn người đoạt giải theo kiểu “có đi có lại” giữa các cơ quan nghiên cứu thay vì dựa trên kết quả nghiên cứu thực sự.

Các nhà nghiên cứu đồng ý với Srivastava rằng hệ thống giải thưởng cần được rà soát lại để bảo đảm sự công bằng, mình bạch và loại bỏ xung đột lợi ích, đồng thời khuyến khích việc tự đề cử và trao giải cho nhóm.

Hải Sơn (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích