Bộ Tài chính: Tăng lương từ 1/1/2023 gây khó cho kiểm soát lạm phát

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nếu tăng lương cơ sở vào đầu năm 2023 sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá.

bo tai chinh tang luong tu 112023 gay kho cho kiem soat lam phat
Theo Bộ Tài chính, nếu tăng lương vào đầu năm 2023 sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 là đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về vấn đề dự toán chi ngân sách năm 2023.

Giải trình rõ hơn về vấn đề tăng lương và cải cách tiền lương, Bộ Tài chính khẳng định cải cách tiền lương là cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản… tác động tới nhân dân cả nước.

“Song trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế – xã hội nói chung”, theo Bộ Tài chính.

Với lập luận đó, Chính phủ tham mưu chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%), cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua.

Trước đề nghị tăng lương sớm 6 tháng của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính lý giải 1/1/2023 là thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Vì vậy, nếu thực hiện tăng lương vào thời điểm này sẽ tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

Ngoài vấn đề tăng lương, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài.

Hồi âm đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết tại các báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 trình Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo nhu cầu và nguồn tích lũy để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Do bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương sau năm 2023. Trường hợp các áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế – xã hội, Chính phủ sẽ khẩn trương trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Về ý kiến đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội đảm bảo cao hơn chuẩn nghèo đô thị, Bộ Tài chính cho rằng chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 có mức tăng đáng kể so với giai đoạn trước (chuẩn nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500.000 đồng/tháng, mức cũ là dưới 700.000 đồng/tháng; tăng 2,15 lần).

Hơn nữa, đây chỉ là tiêu chí, điều kiện để được hưởng các chính sách hiện hành hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chứ không phải là mức thực được hưởng. Do đó, việc so sánh chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023 với chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là chưa đồng nhất và cần được xem xét kỹ.

Chuẩn nghèo là tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn dài, đến hết năm 2025; trong khi đó trợ cấp người có công được điều chỉnh hàng năm căn cứ vào khả năng của NSNN và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ xã hội.

Theo Bộ Tài chính, mức trợ cấp người có công dự kiến điều chỉnh tăng 20,8% từ 1/7/2023, cũng là mức tăng khá.

Tính từ thời điểm tháng 7/2019 đến nay, lương cơ bản đã 4 năm giữ nguyên nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm liên tục biến động tăng, khiến đời sống của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích