Cần nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động

Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sáng 27/10 tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Phước) nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, chất lượng, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.

Đại biểu đặc biệt lo ngại về chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2% thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Bởi theo đại biểu, đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước. Mức tăng này theo đại biểu Phan Viết Lượng, không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

 Ảnh minh hoạ

Nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động nhưng đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng hiện nay nguồn nhân lực của ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27% trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Trong khi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm chủ công nghệ còn thấp hơn các nước.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Đại biểu kiến nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng hơn thực trạng tình hình nhằm làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu, quyết liệt chỉ đạo có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội đất nước.

Theo đại biểu, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích