Dự án Suối Giữa bị thanh tra: Chủ đầu tư Á Châu thua lỗ, tiền bán hàng đã đi đâu?
(Xây dựng) – Vừa qua, Dự án Suối Giữa có tên trong danh sách 3 dự án bị thanh tra. Trước đó, dự án khiến khách hàng khốn khổ vì mua đất theo “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”. Khả năng đòi quyền lợi của khách càng trở nên khó khăn hơn khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Á Châu (Công ty Á Châu) thua lỗ triền miên.
Sau nhiều năm triển khai, dự án Suối Giữa vẫn là bãi đất trống. |
Dự án Suối Giữa vào tầm ngắm của Thanh tra tỉnh Bình Dương
Thanh tra tỉnh Bình Dương vừa công bố quyết định của UBND tỉnh về việc lập Đoàn thanh tra các dự án bất động sản chậm triển khai, để xảy ra tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong địa bàn tỉnh. Một trong ba dự án bị Thanh tra tỉnh Bình Dương thanh tra là Dự án khu nhà ở Suối Giữa tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, do Công ty Á Châu làm chủ đầu tư.
Dự án khu nhà ở Suối Giữa đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu từ vào tháng 3/2008 và được UBND thành phố Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 2/2010. Đến tháng 8/2015, UBND thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô diện tích hơn 30,6ha… Tháng 4/2020, dự án được UBND tỉnh giao, thuê đất đợt 1 với diện tích khoảng 10ha.
Từ năm 2017, 2018, dự án đã được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội. Rất nhiều khách hàng đã mua sản phẩm của dự án nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán, mà chỉ ký “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, hàng trăm khách hàng vẫn chưa nhận được nền, dự án thì vẫn là bãi đất trống. Khách hàng nhiều lần căng băn rôn đòi quyền lợi của mình và gửi lời “kêu cứu” tới cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đầu năm 2022, Công ty Á Châu gây bất ngờ khi khởi kiện khách hàng vì có ý định huỷ hợp đồng.
Tháng 10/2020, chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Suối Giữa bị UBND tỉnh Bình Dương xử phạt gần 300 triệu vì huy động vốn trái phép. Ở thời điểm hiện tại, dự án Khu nhà ở Suối Giữa hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, không ghi nhận bất kỳ hoạt động xây dựng nào.
Chủ đầu tư Á Châu thua lỗ thảm, tiền bán hàng không biết đi đâu
Hàng trăm khách hàng đã mua đất của dự án theo hình thức “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”. Người ít thì nộp 200 triệu đồng, người nhiều thì đã đóng 700 triệu đồng. Như vậy, số tiền mà chủ đầu tư Á Châu thu về phải lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, không rõ dòng tiền của khách hàng đã đi đâu khi suốt nhiều năm qua, doanh thu của Á Châu vô cùng èo uột khiến công ty chìm trong thua lỗ triền miên.
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), doanh thu của Công ty Á Châu chỉ là 1,1 tỷ đồng (năm 2017), 172 triệu đồng (năm 2018), 191 triệu đồng (năm 2019), 256 triệu đồng (năm 2020) và 146 triệu đồng (năm 2021). Doanh thu èo uột nên công ty thể hiện các khoản lỗ 2,7 tỷ đồng, 4,7 tỷ đồng, 4 tỷ đồng, 3,2 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng.
Công ty kinh doanh bết bát bấp chấp duy trì vốn chủ sở hữu khá cao, trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thua lỗ nhiều nên tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu Công ty Á Châu chỉ còn 221 tỷ đồng, giảm 14 tỷ đồng, tương đương 6% so với hồi cuối năm 2017.
Đã đổi chủ và lãnh đạo nhiều lần
Công ty Á Châu thành lập ngày 23/8/2006 tại 140 Đường B2, Khu đô thị SaLa, phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Người đại diện pháp luật hiện tại kiêm Tổng giám đốc là ông Trần Nam Sơn. Tuy nhiên, trước ông Sơn, dàn lãnh đạo của Á Châu liên tục thay đổi.
Ngày 24/3/2016, bà Trương Thị Giàu thay thế ông Nguyễn Dũng trở thành người đại diện kiêm Tổng Giám đốc Công ty Á Châu. Tới ngày 13/11/2017, ông Trương Văn Tuấn đã ngồi vào “ghế nóng”. Kể từ ngày 22/2/2022 cho tới nay, vị trí người đại diện kiêm Tổng Giám đốc Công ty Á Châu thuộc về ông Trần Nam Sơn.
Không chỉ đổi lãnh đạo, Công ty Á Châu còn đổi cổ đông. Ngày 28/10/2015, vốn điều lệ công ty tăng từ 75 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Tới 23/4/2016, cơ cấu cổ đông thay đổi. Cổ đông sáng lập đã rút lui khá nhiều.
Cụ thể, ông Nguyễn Dũng giảm tỷ lệ sở hữu 90% (tương đương phần góp vốn 67,5 tỷ đồng) xuống 0%. Ông Nguyễn Văn Vinh và bà Phạm Thị Ngọc Linh vẫn sở hữu lần lượt 8% và 2% vốn công ty.
Liên quan đến khiếu kiện của người dân với chủ đầu tư dự án này, tại Thông báo số 119 ngày 25/2/2022, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã có ý kiến, chỉ đạo, giao Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đối thoại giữa chủ đầu tư và các hộ dân đề thỏa thuận, thống nhất các vần đề còn vướng mắc, yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch, cam kết bằng văn bản với cơ quan chức năng và người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án theo đúng quy định pháp luật… Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết hoặc không tiếp tục thực hiện dự án, UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng