Tìm phương pháp mới điều trị, phòng ngừa ung thư thông qua ruồi giấm

Tìm phương pháp mới điều trị, phòng ngừa ung thư thông qua ruồi giấm

Tú Anh –  Thứ năm, 27/10/2022 10:54 (GMT+7)

Nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí PLOS Biology, có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những phương pháp điều trị và phòng ngừa ung thư mới.

tm-img-alt
Sở hữu ADN gần giống người, ruồi giấm được chọn làm đối tượng thí nghiệm trong nhiều nghiên cứu khoa học.

Các nhà khoa học tại Trường Y Duke – Đại học quốc gia Singapre (NUS), Viện nghiên cứu Y sinh – Viện Khoa học và Công nghệ Barcelona, Tây Ban Nha, và Viện gene Singapore đã nghiên cứu một loại protein ức chế khối u ở người có tên Parafibromin. Khi Parafibromin giảm hoạt động, một số bệnh ung thư có thể xuất hiện, gồm hội chứng cường cận giáp – khối u hàm, ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng và phổi. 

Các nhà khoa học phát hiện trong tế bào não ở ruồi giấm Drosophila có một protein liên quan đến quá trình tiến hóa là Hyrax – một chất tương tự Parafibromin. Kết quả nghiên cứu cho thấy Hyrax đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển hệ thần kinh trung ương của loài ruồi giấm Drosophila. Khi Hyrax mất chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của các tế bào gốc thần kinh trong não bộ của ruồi giấm. Vì vậy, họ tin rằng protein Parafibromin cũng có thể thực hiện một chức năng tương tự ở con người. 

Kết quả cũng cho thấy nhiều chức năng chưa được khám phá trước đây của protein trong việc kiểm soát phân cực tế bào – cấu trúc không đối xứng của protein – trong tế bào gốc đã tạo ra các tế bào thần kinh trưởng thành.

Giáo sư Wang Hongyan, tác giả góp phần quan trọng trong nghiên cứu và cũng là Phó Giám đốc chương trình NBD tại Trường Y Duke cho biết: “Mất phân cực tế bào và bất thường trung thể là dấu hiệu của bệnh ung thư ở người. Những phát hiện mới có thể mang tới thông tin liên quan, trong việc hiểu rõ vai trò của parafibromin đối với bệnh ung thư ở người, đặc biệt là ở não.”

Ruồi giấm và con người có ADN giống nhau đến 60%. Các nhà khoa học tin rằng khoảng 75% các bệnh về gene ở người cũng có thể tìm thấy ở ruồi giấm. Sở hữu ADN gần giống người, ruồi giấm được chọn làm đối tượng thí nghiệm trong nhiều nghiên cứu khoa học đoạt giải Nobel.

Ruồi giấm đóng góp lớn cho nhiều thành tựu khoa học, trong đó có nghiên cứu đoạt giải Nobel Y học 2017 về gene điều khiển nhịp sinh học của ba nhà khoa học Jeffrey Hall, Michael Rosbash và Michael Young. Trước đó đã có ít nhất 5 nghiên cứu khác sử dụng ruồi giấm cũng giành giải Nobel, lần đầu tiên vào năm 1933.

Chúng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và có nhiều đặc điểm lý tưởng để nuôi trong phòng thí nghiệm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích