Tây Ninh: Từng bước xây dựng, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn

Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chi nhánh các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin trên quy mô toàn quốc, chưa có doanh nghiệp tư nhân về công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu là sử dụng phần mềm văn phòng như Office, phần mềm kế toán, quản trị nhân sự mà chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp, nâng cao năng suất, xây dựng mô hình kết nối với khách hàng để xây dựng phương pháp sản xuất kinh doanh theo phương thức mới.

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformation Index-DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, chỉ số phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Tây Ninh đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó các tỷ lệ: Doanh nghiệp CNTT, viễn thông (ICT), doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành khác có ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới chỉ đạt 2.79%. Tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trong các ngành khác chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số là 0%.

 Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch đề ra: Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó có 03 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số để phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó có 05 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai hiệu quả, Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; phát triển hạ tầng số; phát triển nhân lực công nghệ số; phát triển sản phẩm công nghệ số; phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp số tại địa phương.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích