Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra sửa đổi, dự kiến sẽ được xem xét thông qua vào ngày 14/11 tới. Vấn đề xử lý chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra và công khai kết luận thanh tra nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Cần xử lý chồng chéo

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” được lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật, nhưng thực tế cho thấy, tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán, kiểm tra. Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới, thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương.

Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc hội)

“Tôi đề nghị nên chăng quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, một số địa phương đã có quy định là không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các doanh nghiệp trên địa bàn được doanh nghiệp đánh giá cao, bởi dành nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh”, lời đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho biết, dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, ban hành kết luận thanh tra thì còn bỏ trống.

“Thực tế cho thấy, còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành mà cũng không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần xử lý chồng chéo để làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị bị thanh tra, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh, vì “khi đã có một đoàn thanh tra vào thì các đối tác ký hợp đồng đều rất dè dặt và rất khó khăn”.

Cùng quan tâm đến việc chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho biết, ông có một danh sách năm 2021 có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện thanh tra từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận, năm 2021 vẫn giải quyết vấn đề chậm ban hành kết luận.

“Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao, việc này cũng phải xem xét. Câu chuyện là người ra quyết định thanh tra, người ký kết luận thanh tra thì lại không tham gia đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo lại với người quyết định thanh tra.

Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam). (Ảnh: Quốc hội)

Vậy khi có mâu thuẫn, hoặc khúc mắc giữa người ký quyết định với trưởng đoàn và đoàn thanh tra chưa thống nhất được nội dung kết luận và cũng có thể vì một nguyên nhân nào đó, một yếu tố nào đó kết luận thanh tra rồi mà không ban hành được thì khắc phục vấn đề này như thế nào, chế tài ra làm sao cũng phải quy định rõ”, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị.

Rõ thời gian công khai kết luận thanh tra

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) đồng tình với quy định 4 hình thức công khai kết luận thanh tra trong dự thảo Luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị nên xem xét quy định về thời gian đối với việc công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.

Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá). (Ảnh: Quốc hội)

“Nếu không quy định thời gian thì mỗi nơi sẽ làm mỗi kiểu, có những nơi hôm nay công khai nhưng có khi là mai gỡ, như thế người dân sẽ không biết để giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý sau thanh tra. Tôi đề xuất là nên có quy định cụ thể về thời gian công khai và hình thức công khai”, đại biểu nói.

Dẫn quy định “trước khi công khai kết luận thanh tra người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, khả thi”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép là bao nhiêu ngày để đảm bảo kết luận thanh tra. Ngoài việc ban hành chính xác, khách quan, khả thi nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo công bố kịp thời, tránh việc kéo dài, nhất là đối với các vụ việc mà dư luận đang quan tâm.

Theo dự thảo Luật được trình Quốc hội, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích