Phát triển 5G nhằm thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị

phantam
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (Bộ TT&TTT) cho hay, trong vài năm gần đây đã có những tiến bộ đáng kể trong triển khai mạng 5G trong khu vực và trên thế giới.

Trong hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ xem xét những vấn đề về pháp lý, những khó khăn, thách thức phải đương đầu khi triển khai mạng 5G. Về triển khai mạng lưới, chúng ta sẽ cùng chia sẻ những vấn đề, những kinh nghiệm liên quan đến triển khai 5G từ góc nhìn của cơ quan chính phủ; cùng chia sẻ về việc sử dụng 5G trên thực tế; an ninh mạng. Do cơ sở hạ tầng 5G đóng vai trò quan trọng nên bảo đảm an ninh mạng cho mạng 5G là ưu tiên của các quốc gia. Một vấn đề quan trọng không kém là phân bổ phổ tần số cho 5G. Các nước ASEAN đang hợp tác xây dựng hạ tầng 5G. “Việc chia sẻ kinh nghiệm thực sự rất có ý nghĩa và quan trọng”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam khẳng định.

Chia sẻ về tình hình triển khai 5G ở Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Việt Nam đang triển khai thí điểm 5G tại 55 tỉnh, thành phố, đồng thời thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G. Trong vài năm đầu, Việt Nam sẽ áp dụng thí điểm 5G cho các khu công nghiệp, viện nghiên cứu, trường học, cơ quan nhà nước. Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030, 100% dân số Việt Nam có kết nối 5G.

Phát triển 5G nhằm thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị

Đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, Nhật Bản xác định bắt đầu triển khai 5G với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương cụ thể.

Thách thức Nhật gặp phải chính là việc triển khai 5G ở khu vực nông thôn vì mật độ dân cư ở đây không cao.

Mục tiêu khi phát triển 5G của chính phủ Nhật là xây dựng quốc gia với nhiều thành phố được số hóa, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn, đồng thời kết nối với các nước khác. Nhật Bản đặt mục tiêu: đến năm 2023, sẽ phủ sóng 5G đến 95% dân số, năm 2025 đạt 97% dân số (với 200 nghìn trạm phát 5G) và đến năm 2030 đạt 99% vùng phủ 5G (với 600 nghìn trạm phát 5G). Nhằm đạt được mục tiêu này, năm 2019 Nhật đã phân bổ tần số cho các nhà mạng để phát triển công nghệ 5G, từ đó, các nhà mạng đã phát triển 5G mạnh mẽ. Nhật Bản cũng ban hành các chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy các công ty phát triển 5G. Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy chia sẻ hạ tầng giữa các công ty và các nhà mạng. Càng chia sẻ càng được chính phủ ưu đãi, hỗ trợ, bước đầu là chia sẻ trạm phát sóng giữa các nhà mạng, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ.

Nội dung và thiết bị đầu cuối 5G giá hợp lý – động lực thúc đẩy 5G

Là một đất nước triển khai và ứng dụng công nghệ 5G từ rất sớm, đại diện Viện Công nghệ Truyền thông Hàn Quốc cho biết, năm 2017 Hàn Quốc có chính sách phát triển 5G và năm 2019 đã thương mại hóa 5G và thí điểm tại nhiều thành phố khác nhau. Đến năm 2022, Hàn Quốc đạt 22 triệu thuê bao 5G. Nội dung 5G và thiết bị đầu cuối 5G với chi phí hợp lý, nằm trong khả năng chi trả của nhiều người dân là động lực thúc đẩy 5G phát triển nhanh tại Hàn Quốc.

Hiện nay, nhiều công ty Hàn Quốc đã demo các ứng dụng của 5G trong các lĩnh vực như: nhà máy thông minh, sản xuất xe cộ, phát triển nội dung nhúng trong mạng 5G, thành phố thông minh… nhà mạng SK đã xây dựng nền tảng ifland dựa trên công nghệ 5G, metaverse vào năm 2021. LG Uplus áp dụng 5G để vận hành, quản lý cảng thông minh. Hiện tại Hàn Quốc có 33 dịch vụ 5G khác nhau với 8 nhóm dịch vụ với sự tham gia của 42 công ty. Công ty năng lượng KEPCO sử dụng 5G để xây dựng và quản lý trạm năng lượng từ xa. Trong lĩnh vực y tế, 5G được áp dụng khá đa dạng, từ sử dụng robot phẫu thuật dựa trên công nghệ 5G cho đến vận chuyển bệnh nhân không cần người vận hành, Trong lĩnh vực logistics, Hàn Quốc sử dụng robot thông minh, camera 3 chiều tại các nhà kho, cảng, hàng hóa được xếp dỡ tự động, kết quả là toàn bộ chuỗi cung ứng được cải thiện

Đại diện nhà mạng Viettel, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Trung tâm mạng 5G của Viettel cho biết, hiện có 2 xu thế trên thế giới là Open Ran và Core, nhưng Open Ran mang tính chất đột phá với các thiết bị của từng nhà cung cấp có tính tương thích với nhau. Viettel hiện đang sử dụng nền tảng phần cứng chung và tham gia vào liên minh Open Ran. Tại Việt Nam, Viettel đã thí điểm 5G với thiết bị RAN ở Hà Nội và quý 4 sẽ mở rộng 300 trạm 5G.

Trong khối ASEAN, nhận thức được tầm quan trọng 5G, Lào hiện đang xây dựng chính sách cấp phép 5G. Hiện mới chỉ có khoảng 5% thiết bị viễn thông tương thích với 5G, 95% còn lại tương thích 4G nên cần có khuôn khổ thúc đẩy tương thích thiết bị 5G mới thúc đẩy được sự phát triển của 5G. Về phân bổ phổ tần số, năm 2019 Lào đã phân bổ 7 dải tần, năm 2022 sẽ phân bổ thêm 3 bộ dải tần nữa. Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành những quy chuẩn, văn bản pháp lý để hài hòa kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Về phía Malaysia, nước này hiện đã thành lập tổ đặc trách về 5G tập trung vào các công tác: thí điểm, quy hoạch phổ tần, quy hoạch hạ tầng, xây dựng khung khổ pháp lý. Tháng 12/2021, Malaysia đã thử nghiệm 5G và đạt mức độ bao phủ 5G là 5,8% vào năm 2021, năm 2022 đạt 36%. Mục tiêu trong 2 năm 2023 và 2024 đạt 80% và đạt 90% vào năm 2029, đại diện đến từ Malaysia chia sẻ./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích