Thực tế hóa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Xây dựng) – Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với trường Đại học Điện lực và Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”.

thuc te hoa viec su dung nang luong tiet kiem va hieu qua
Các diễn giả tham gia diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích chia sẻ, thông tin tới toàn thể cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ – các em sinh viên Đại học Điện lực Hà Nội về các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nói riêng cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung. Qua đó, từ hành động thực tiễn được triển khai trong thời gian qua; cần làm gì để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Vấn đề an ninh năng lượng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, châu Âu cũng như Việt Nam bị lạm phát tăng cao”.

Ông Nguyễn Đình Hiệp chia sẻ, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.

Trả lời câu hỏi vì sao tại các văn bản pháp luật lại quy định mức năng lượng phải tiết kiệm, ông Đặng Hải Dũng cho biết, bên cạnh việc Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2015, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc… Bên cạnh đó tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các quốc gia cũng đã bắt đầu yêu cầu sản phẩm được nhập khẩu vào các thị trường này phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, giảm CO2 trên từng sản phẩm, phải sử dụng năng lượng sạch trong quá trình sản xuất. Chưa kể đến các vấn đề về khủng hoảng năng lượng trên thế giới, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào năng lượng… để xuất khẩu được chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường quốc tế.

thuc te hoa viec su dung nang luong tiet kiem va hieu qua
Hơn 200 sinh viên trường Đại học Điện lực đã tham dự diễn đàn.

TS.Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cho rằng: “Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức dưới góc độ ở nhà trường công tác này đã được chú trọng triển khai, nhà trường có 2 cách: Đối với các khoa, bộ môn xây dựng hệ thống đo đếm để các thầy cô định lượng được hành vi của mình tiêu tốn năng lượng bao nhiêu, các em sinh viên cũng đã được tuyên truyền và hoạt động đó phải được duy trì. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người trong đó có các bạn sinh viên”.

Tại trường Đại học Điện lực, công tác đào tạo và lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng được nhà trường tập trung chủ yếu vào 3 khối đào tạo: Điện, Năng lượng và Quản lý năng lượng.

Nói về vấn đề thách thức của Việt Nam trong thực thi tiết kiệm năng lượng, ông Đặng Hải Dũng cho biết: Trước hết là liên quan đến quản lý Nhà nước, nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế, đặc biệt các em sinh viên đang ngồi đây, trong khi chúng ta đang có 52 quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nên các em sinh viên phải nắm và chủ động trang bị về vấn đề này như: Các tòa nhà, lò hơi, thiết bị công nghiệp… thì tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đối với các loại hình này như thế nào? Do vậy chất lượng đào tạo phải được chuẩn hóa ở mức khu vực và quốc tế.

Thời điểm hiện nay cần quan tâm khi sửa Luật: Lĩnh vực quản lý Nhà nước, tất cả các Bộ, ngành liên quan phải tăng cường phân cấp, phân quyền; các cơ sở sử dụng năng lượng trong tất cả các lĩnh vực phải thực thi đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về tiết kiệm năng lượng; Nguồn nhân lực thời gian đầu triển khai gần như không có, phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế…

Theo TS. Dương Trung Kiên, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, do công nghệ của chúng ta còn thấp, nên chúng ta cải thiện cái gì ai hướng dẫn và tiền đâu để làm? Đây là bài toán khó mà chúng ta cũng cần phải cải tiến… “Bài toán ở đây là nguồn nhân lực, thời điểm này nguồn nhân lực về tư vấn của chúng ta chưa tốt cho nên công tác tư vấn và kết quả đạt được chưa cao khi áp dụng các giải pháp được tư vấn”, TS. Kiên cho biết.

Ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết thêm, Luật đưa ra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp chiếm khỏang 38% tổng năng lượng toàn xã hội còn lại là khuyến khích, sắp tới Luật sử đổi theo hướng mở rộng đối tượng bắt buộc phải thực hiện (chiếm 75-80%) mức năng lượng của toàn xã hội. Thêm vào đó chúng ta bổ sung thêm các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng, tuy nhiên các sản phẩm dán nhãn càng nhiều sao chi phí lại càng đắt, nên chúng ta cần có thời gian để người dân làm quen và điều chỉnh dần hành vi sử dụng các thiết bị điện và điện của mình.

Ông Đặng Hải Dũng cho rằng, hiện chúng ta có 12 Quyết định của Thủ tướng, 26 Thông tư, trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến 26 chủng loại sản phẩm, thiết bị… việc mở rộng sản phẩm dán nhãn là góp phần nâng cao công tác quản lý cũng như giúp cho công tác tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao hơn.

TS. Dương Trung Kiên cho rằng, giải pháp thời gian tới thì công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh là cần thiết và phù hợp.

Tại Diễn đàn các chuyên gia cũng đã trả lời các câu hỏi của các em sinh viên trường Đại học Điện lực về các vấn đề như: Nhãn năng lượng, Giờ Trái đất, cách đánh giá sản phẩm dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích