Trồng trọt, chăn nuôi và sức ép lên môi trường

Trồng trọt, chăn nuôi và sức ép lên môi trường

Hải Thanh –  Thứ ba, 25/10/2022 16:40 (GMT+7)

Quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi…

Ngành trồng trọt và chăn nuôi đã và đang đóng góp rất lớn vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi…

Đối với ngành trồng trọt

Trồng trọt là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngành trồng trọt của Việt Nam dần chuyển theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa… đặc biệt là việc áp dụng các giống cây trồng mới với sản lượng và năng suất cao, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng.

Trồng trọt, chăn nuôi và sức ép lên môi trường - 1
Việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt gây ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh minh hoạ: ITN

Trong trồng trọt, sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông phẩm. Tuy vậy, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Song song với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh từ hoạt động trồng trọt, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng các bể chứa bao gói, chai đựng thuốc BVTV đặt tại đầu bờ ruộng, tuy nhiên, lượng bể chứa đáp ứng yêu cầu còn khá thấp, do đó vẫn còn lượng lớn bao bì bị thải bỏ ngay tại đồng ruộng.

Thực tế tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật làm cho sâu bệnh quen thuốc gây ra hiện tượng kháng thuốc, nhiều loài sinh vật có ích (thiên địch) bị tiêu diệt, gây mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh hại càng phát triển mạnh hơn và nông dân càng dùng thuốc nhiều hơn. Thêm vào đó là xu hướng người dân thích sử dụng các loại thuốc rẻ tiền, công dụng mạnh, nhưng lại ít quan tâm đến an toàn môi trường. Theo ước tính, hằng năm có đến 50% – 70% lượng phân bón vô cơ không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường. Nước thải từ hoạt động chuyên canh nông nghiệp có chứa các thành phần độc hại như hóa chất BVTV, phân bón hóa học nêu trên đã và đang gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ, phụ phẩm từ cây trồng chính phát sinh với khối lượng lớn. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: Năm 2019, phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh trên cả nước ước tính khoảng 94.715.000 tấn, trong đó lớn nhất là cây lúa với 52.140.000 tấn, cây mía là 16.914.000 tấn, các loại khác như sắn, ngô, cà phê, đậu tương khoảng 25.661.000 tấn. Chỉ một phần phụ phẩm từ cây trồng được tái chế, tái sử dụng, phần còn lại bị đốt bỏ ngoài ruộng, gây hiện tượng khói mù cục bộ cho vùng lân cận sau thu hoạch mỗi mùa vụ.

Việc đốt rơm rạ tự phát, không kiểm soát làm phát sinh các khí CO, NOx, bụi mịn… ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Đặc biệt, ở một số địa phương, tình trạng đốt rơm rạ trên đường không những ảnh hưởng đến môi trường mà gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông.

Đối với ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi giai đoạn 2016 – 2020 đã phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn: khủng hoảng giá thịt lợn năm 2017; dịch tả lợn châu Phi 2019 diễn ra trên khắp cả nước; cúm gia cầm (chủng A/H5N6 và A/H5N1) và lở mồm, long móng trên các đàn trâu hoành hành với hàng chục ổ dịch rải rác ở các địa phương dẫn đến thiếu hụt nguồn cung năm 2020. Mặc dù dịch bệnh trong chăn nuôi gia tăng, tuy nhiên thời gian qua các trang trại chăn nuôi tập trung ngày càng được mở rộng về quy mô và diện tích, do đó số lượng gia súc, gia cầm vẫn duy trì ổn định ở mức 30 triệu con gia súc và 400 triệu con gia cầm/năm.

Trồng trọt, chăn nuôi và sức ép lên môi trường - 2
Hằng năm, ngành chăn nuôi thải ra môi trường một lượng rất lớn CTR, nước thải có chứa các chất độc hại. Ảnh minh hoạ: ITN

Tuy vậy, theo Báo cáo công tác BVMT năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, dịch bệnh trên gia xúc, gia cầm gia tăng và bùng phát trên cả nước đã dẫn đến tình trạng người chăn nuôi vứt lợn chết ra đường, xuống sông, kênh, vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Với số lượng thống kê đầu gia súc, gia cầm, vật nuôi trên phạm vi cả nước, hàng năm sẽ thải ra lượng rất lớn CTR, nước thải có chứa các chất độc hại: N O, CO , CH… gây hiệu ứng theo quy trình khép kín, từ chăn nuôi – trồng trọt (sử dụng chất thải chăn nuôi) – chăn nuôi, đã phát huy hiệu quả, vừa xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng thu nhập cho người dân.

Việc tận thu, tái sử dụng chất thải chăn nuôi cho các mục đích sử dụng khác (như nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, nuôi giun và các loại hình sản xuất nông nghiệp khác) cũng bắt đầu áp dụng tại một số địa phương, đây là giải pháp tốt cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Hiện nay, việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh và bền vững đang trở thành xu thế, trong đó sẽ áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao tính cạnh tranh thông qua các sản phẩm “xanh-sạch” thân thiện với môi trường.

Tham khảo: Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích