Hành lý cuộc đời
Năm tôi mười tám tuổi, một ngày mùa thu vàng óng màu lúa chín. Ông ngoại tôi nhắm mắt xuôi tay về trời. Đưa tiễn ông đi đoạn đường cuối cùng, có cánh đồng lúa thơm ngát đi cùng ông. Hành lý cuối cùng ông mang theo chẳng có gì ngoài chiếc áo măng tô ông yêu quý. Chiếc áo được ông cẩn thận mang về từ chiến khu, vẫn còn nguyên vết xước chúng tôi làm rách hồi còn nhỏ.
Ảnh minh họa |
Sau đám tang ông, tôi trở về nhà gói ghém hành lý lên Hà Nội nhập học. Chuyến tàu buổi tối nặng nề và chậm chạp, tiếng còi ồn ã từ xa vọng tới. Hành lý của tôi chẳng nhiều nhặn gì ngoài một chiếc ba lô quần áo và một chiếc hòm bằng tôn chất đầy sách vở. Tôi đã lớn khôn để chuẩn bị hành trang kiến thức vào đời. Tôi ngắm nghía những hành lý mang theo. Rốt cuộc để đi đến nơi nào đó, chúng ta chẳng thể đi với hai bàn tay trắng. Chỉ trừ đi đến cái chết như ông ngoại tôi. Không đúng! Ông ngoại tôi mang theo những tình cảm chân thành, những câu chuyện làm người còn để lại cho con cháu.
Cả một đời lính như ông đã đi qua rất nhiều trận chiến, có máu và nước mắt. Vậy ông mang theo cả lịch sử, ông có nhiều hơn những hành lý hiện hữu bằng vật chất kia. Những hàng lý của ông nếu mà đong đếm được, nó còn nặng hơn ngàn lần chiếc ba lô của tôi trên chuyến tàu ngày hôm ấy. Nghĩ đến đó tôi lại quặn thắt niềm thương. Bên song sắt cửa sổ con tàu, ánh trăng thu vẫn soi sáng và nhìn tôi trìu mến, như cách ông ngoại tôi hay thủ thỉ kể chuyên cho tôi nghe. Hành lý ngày hôm ấy, có ông tôi đi cùng!
Mùa qua từng mùa rụng lá rồi lại đâm chồi. Tôi cũng đi qua những vết thương chằng chịt vết sẹo trong lòng. Ngày lấy chồng, mẹ tôi rưng rưng chuẩn bị hành lý cho tôi. Vẫn mấy bộ quần áo, chiếc lược, chiếc gương, cây kim, sợi chỉ. Cách mẹ sắp xếp vẫn ngăn nắp, gọn gàng như ngày nào. Cả đoàn rước dâu ra đến cổng, mẹ nhìn tôi xúc động dặn dò: “Con đi nhé!”, rồi mẹ trao lại chiếc va li cho tôi. Có điều gì đó như muốn rời xa tôi. Ngay lúc đó, tôi chỉ muốn ôm mẹ vào lòng, mong giây phút ấy cứ đóng băng mãi mãi.
Nhưng hiện tại vốn dĩ khắt khe và giục giã, tôi theo đoàn rước dâu đi xa. Bỏ lại ánh nhìn khắc khoải của mẹ phía sau lưng, tôi lã chã những giọt nước mắt, tôi nhớ mẹ như cái hồi tôi còn nhỏ xíu và ngắm vầng trăng lưỡi liềm mọc ở phía đằng Đông bên quê nội. Lòng lại an ủi vỗ về chính mình: “Thôi nào cô gái, trái đất này chỉ có duy nhất một vầng trăng!”.
Tôi đã đi qua bao mùa thu rồi màu đông, bao mùa trăng lên rồi khuất bóng. Biết bao lần xếp ba lô hàng lý cho cuộc đời. Mỗi lần cầm trên tay món hành lý, tôi lại bâng khuâng. Người ta sẽ đi về đâu trên cõi đời này? Ai mang hành lý về nơi hạnh phúc? Ai mang hành lý về nơi khổ đau? Tôi chợt nhớ một câu nói của người khuyết danh nối tiếng: “Chúng ta đều đi theo những con đường khác nhau trong đời, nhưng dù chúng ta đi tới đâu cũng mang trong mình một phần của nhau”.
Thanh Nga
Nguồn: Báo lao động thủ đô