Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn mặn?
Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn mặn?
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tiêu thụ quá nhiều muối trong khẩu phần ăn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Giảm lượng muối ăn vào đã được xác định là một trong những biện pháp tiết kiệm chi phí nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để cải thiện kết quả sức khỏe dân số.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu ca tử vong trên toàn Thế giới có thể được ngăn chặn mỗi năm nếu lượng muối tiêu thụ toàn cầu giảm xuống ở mức khuyến cáo. Riêng tại Mỹ, giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số xuống mức 2.300 mg mỗi ngày có thể tiết kiệm 18 tỷ đô la tiền chăm sóc sức khỏe và giảm 11 triệu ca cao huyết áp mỗi năm.
WHO, FDA và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đều cho biết, hầu hết mọi người đang tiêu thụ quá nhiều muối với tỷ lệ gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3 lượng muối được khuyến cáo, trong đó nguyên nhân chính được chỉ ra đó là do sự thay đổi thói quen ăn uống:
– Sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn công nghiệp thường xuyên và sử dụng nhiều các gia vị công nghiệp trong các bữa ăn.
– Thực phẩm chế biến sẵn (Thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, pho mát, mì ăn liền…) có đặc điểm là chứa nhiều muối, nhiều chất bảo quản nhưng lại thiếu chất xơ, thiếu các vitamin khoáng chất.
Hấp thụ nhiều muối (ăn mặn) gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm với sức khỏe (Ảnh minh họa)
Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn mặn?
– Ăn mặn gây tăng huyết áp: Chế độ ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu màng tế bào với natri làm tăng lưu trữ nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.
– Tăng nguy cơ đột quỵ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn quá liều lượng khuyến cáo dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ (Nhồi máu não, chảy máu não).
– Tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nguy cơ suy tim do tăng gánh thất trái.
– Ăn mặn làm tăng nguy cơ tổn thương thận: Chế độ ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Ngoài ra, muối cũng là 1 nguyên nhân gây ra các tổn thương như sỏi thận, thận nhiễm mỡ…
– Ăn mặn là tăng nguy cơ bệnh dạ dày trong đó có tình trạng viêm loét và thậm chí là cả ung thư dạ dày do liên quan đến tương tác giữa nồng độ muối và vi khuẩn HP trong dạ dày.
– Rối loạn giấc ngủ: Chế độ ăn nhiều muối vào bữa tối có thể góp phần làm rối loạn giấc ngủ, một phần do tăng huyết áp và giữ nước khiến ngủ không yên, thường xuyên thức giấc và không cảm thấy thoải mái vào buổi sáng.
– Đối diện nguy cơ tăng Natri huyết (Hypernatremia): Tăng natri máu khi nồng độ natri tăng cao trên ngưỡng giới hạn sinh lý bình thường trong máu. Các triệu chứng ban đầu của tăng natri máu có thể là cảm giác khát, yếu, buồn nôn, chán ăn. Nếu không được điều trị, sự thay đổi nồng độ natri trong máu có thể dẫn đến lú lẫn, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.
Ngoài ra tăng tiêu thụ muối còn liên quan đến tình trạng loãng xương, đau đầu, bọng mắt, tăng cần, phù…
Ảnh minh họa
Giải pháp cắt giảm muối đưa vào cơ thể
Khoảng 9/10 người Mỹ đang tiêu thụ quá lượng muối theo yêu cầu, trong đó 65% đến từ siêu thị & cửa hàng tiện lợi, 25% từ nhà hàng, 10% các nguồn khác. Điều đó cho chúng ta thấy chính thói quen sử dụng thực phẩm tiện lợi, đóng gói sẵn là nguyên nhân lớn làm tăng lượng muối dung nạp mỗi ngày. (Vì thường các dòng thực phẩm này luôn có rất nhiều muối để bảo quản).
– Ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống, hạn chế các món ăn mặn chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối… Nếu vẫn sử dụng thực phẩm này chúng ta nên chọn sản phẩm đóng hộp có hàm lượng muối thấp hoặc chọn thực phẩm có ghi “Giảm muối” “không thêm muối” trên nhãn. Khi đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm hãy mua thịt gia cầm tươi, cá, thịt lợn tươi sống thay vì các loại thịt đã qua xử lý, ướp muối, hun khói và các loại thịt đã qua chế biến khác.
– Tự nấu ăn ở nhà với nguồn thực phẩm tươi sống để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất và cắt giảm thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
– Chọn cách chế biến món ăn sử dụng ít muối như luộc, hấp, nấu canh, salad…Nếu kho, rim, rang… luôn luôn lưu tâm cho ít muối và nếm vị cẩn thận để tránh cho quá nhiều muối.
– Khi sử dụng các loại nước chấm gia vị nên pha loãng và dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi. Và chỉ nên dùng muối có i-ốt. Luôn cố gắng hạn chế tối đa việc chấm ngập thức ăn vào bát nước chấm hoặc khi sử dụng mì tôm chỉ nên sử dụng 1/3 gói gia vị.
– Những bữa ăn ở quán, ở nhà hàng…thường là những bữa chúng ta sử dụng nhiều muối (Qua thức ăn và qua gia vị) nên hãy lưu ý.