Cà phê… muối
Độc lạ món cà phê muối xứ Huế
Cà phê muối xứ Huế không có tuổi đời lâu như cà phê các vùng miền khác, nó chỉ vừa xuất hiện khoảng 6 – 7 năm nay, khởi nguồn từ một quán cà phê sân vườn trên đường Nguyễn Lương Bằng, nhanh chóng gây được tiếng vang, trở thành một món cà phê đặc trưng của Huế, chiếm được cảm tình của cả người dân địa phương lẫn du khách ghé thăm.
Cà phê muối, cái tên khiến nhiều người liên tưởng ngay đến vị mằn mặn của biển cả, thế nhưng không phải, nó hòa quyện và làm vị cà phê thơm nức mũi. Một cốc cà phê muối được phục vụ rất đơn giản, chỉ với một chút sữa lên men với muối, một phin cà phê nhôm truyền thống, một chút đá dành cho những ngày nắng gắt của miền Trung. Và rồi, nếu đây là lần đầu được nhấp ngụm cà phê muối, bạn sẽ ngỡ ngàng bởi hương vị đặc biệt vô cùng, được tổng hòa từ những thành phần tưởng chừng rất bình thường ấy.
Đó là vị thơm, bùi ngậy của sữa tươi lên men, vị mằn mặn thanh thoát của muối và sự nồng đậm đà của cà phê đen truyền thống đã được dịu vị lại nhờ muối và sữa. Không quá khi nói rằng, thưởng thức cà phê muối là lắng mình trong bữa tiệc của vị giác, khi chừng ấy hương vị, mùi thơm đọng lại trong cốc cà phê nhỏ. Bí quyết của một cốc cà phê ngon, là lượng muối chính xác để kết hợp hài hòa với cà phê, vừa đủ để đằm lại vị đắng, nhưng không át đi hương vị rất đặc trưng nồng và hơi gắt của cà phê rang xay.
Đủng đỉnh Cà phê muối
Đặc thù về văn hóa đất cố đô là sự trầm lắng, yên bình, sự chậm rãi, thư thái và tinh tế… Là nét quyến rũ khó đâu sánh bằng của Huế, nên phong cách thưởng thức cà phê cũng vậy, họ dành nhiều thời gian để thưởng thức. Dù ngày càng có nhiều quán cà phê pha máy xuất hiện, nhưng món uống yêu thích của hầu hết người dân ở đây vẫn là những tách cà phê rang xay theo công thức riêng và được pha bằng phin “mà phải phin nhôm”.
Cà phê pha bằng phin thì không thể thưởng thức trong sự vội vàng, bởi toàn bộ quá trình chờ đợi từng giọt cà phê đặc quánh rơi xuống chiếc ly nhỏ, từng giọt, từng giọt chầm chậm rơi xuống lớp váng sữa, màu sắc tách cà phê dần biến đổi… Đây cũng chính là một nét văn hóa cà phê.
Người Huế thích uống cà phê vị thật đậm đà, nhiều khi chẳng cần thêm đường mà chỉ cần chút đá viên là có thể thưởng thức được. Khách phương xa đến thưởng thức cà phê Huế lần đầu có khi không quen, thấy cà phê gì mà đắng quá, nhưng nếu có dịp ngồi uống cà phê lâu hơn, thong dong đúng phong cách … Cố đô, người ta sẽ dần nhận ra vị hậu ngọt của những ly cà phê rang xay theo công thức truyền thống, hương thơm nồng nàn đọng mãi dù ly cà phê đã nguội, vơi. Nét thâm trầm ăn sâu vào cốt cách và văn hóa của người Huế nằm ở chỗ, họ dành nhiều thời gian cho việc chiêm nghiệm, để tìm ra một ý nghĩa, một nét đẹp của mọi thứ xung quanh. Giờ cà phê dẫu có biến thể cũng vẫn phải đậm đà và nhiều phong vị như vậy mới được.
Điểm đặc biệt khi uống cà phê muối là không phục vụ quá nhiều cà phê, để đảm bảo tỉ lệ nhất định giữa các thành phần có trong ly cà phê. Vị mặn mòi của muối giúp trung hòa vị ngọt thanh và đắng của cà phê, giúp tổng hòa hương vị ly cà phê tạo nên sự bùi béo thơm nồng đọng lại trên đầu lưỡi người uống, đến mức khó có thể ngừng lại. Do vậy, không ai nỡ uống một hơi cho cạn, để phải thèm thuồng sau đó.
Tôi có cuộc nói chuyện với chị Hằng một người con xứ Huế hiện tại, chị đang sống và làm việc ở Hà Nội, về món cà phê muối mà chị thích, “Mỗi buổi sáng trong khi chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình, mình không quên ủ ly cà phê để cùng ông xã nhâm nhi. Hàng tháng cà phê đều được người nhà chuyển ra để gia đình dùng, nhưng vẫn không thích bằng được thưởng thức tại Huế… Nếu trong ngày mà không có được ly cà phê muối thì trong người cảm thấy bứt rứt khó chịu lắm! Khi có cơ hội về Huế việc đầu tiên là mình phải xà ngay vào quán cà phê quen thuộc nhâm nhi ly cà phê cho thỏa nỗi nhớ”.
Vị ngon của cà phê muối có thể được ví như chất gây nghiện, bởi đã đến Huế và thử cà phê muối, những lần sau người ta sẽ muốn quay trở lại, có khi chỉ để uống một ly cà phê và nghe một bản nhạc tại một không gian yên tĩnh trong không gian Cố đô mà không phải đâu cũng có.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu